Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời về việc tăng giá xăng, điện

07:08, 06/08/2013

Thời gian qua hộp thư của chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" nhận được nhiều câu hỏi của người dân liên quan đến những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hằng ngày. Người dân cũng bày tỏ lo lắng khi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra còn có những băn khoăn về thời điểm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện. Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 4-8 trên Đài THVN, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời những băn khoăn thắc mắc này của người dân.

Trả lời câu hỏi, sau khi giá xăng dầu tăng chưa lâu thì mới đây giá điện cũng đã chính thức được điều chỉnh tăng; vấn đề đặt ra là tại sao trong cùng một tháng, có tới hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện cùng tăng giá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Nói về việc điều chỉnh giá xăng dầu và điện thì đây là câu hỏi đáng suy nghĩ. Tôi xin nói thành thật, Bộ Công thương trước mỗi lần đặt vấn đề tăng giá điện thì đều có tâm trạng rất khó tả. Một mặt thực tâm không muốn tăng giá điện bởi biết rằng nếu tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đến đời sống của nhân dân. Nhưng không thể không tăng bởi hiện nay giá điện đang thấp hơn so với giá kinh doanh, ngành Điện thì lỗ.

Thứ 2, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội thì đối với sản phẩm sản xuất, kinh doanh, trong đó có cả sản phẩm điện chúng ta thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Tinh thần của Nghị định 84, xăng dầu là mặt hàng được kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Về nguyên tắc, giá xăng dầu của thế giới tăng thì giá trong nước cũng cần phải tăng và giá thế giới giảm chúng ta cũng phải giảm. Vì vậy có thể nói chúng ta phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và vì thế việc chúng ta giãn hay là chúng ta dồn điều chỉnh giá xăng dầu là một ý kiến chủ quan trong khi đó điện có cơ chế khác.

Hiện nay với giá điện, Nhà nước vẫn kiểm soát hết sức chặt chẽ nhưng lại có lộ trình tiến tới giá thị trường như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cho nên, với thực tế hiện nay, lẽ ra giá điện phải được điều chỉnh sớm hơn chứ không phải là bây giờ, bởi từ tháng 12-2012 đến nay chúng ta chưa điều chỉnh giá điện trong khi thông số đầu vào chi phí của ngành Điện giá xăng dầu, giá than, chi phí khác tăng lên rất nhiều, biến động rất nhiều nhưng chúng ta vẫn phải giữ nguyên từ tháng 12-2012. Bởi thời điểm tính toán điều chỉnh phải làm sao không tác động lớn đến đời sống, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng nếu kéo dài quá thì tình hình tài chính của ngành Điện lại càng khó khăn, tiếp tục lỗ và sẽ không vay được vốn đầu tư của các ngân hàng, kể cả với các công trình điện. Tôi nghĩ rằng, khi người dân đã hiểu được sẽ rất thông cảm.

Tôi cũng xin lưu ý một điều, dù có điều chỉnh giá nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước với đối tượng người nghèo, các gia đình chính sách vẫn không thay đổi và việc hỗ trợ 30.000 đồng mỗi tháng cho một hộ nghèo về tiền điện vẫn giữ như hiện nay. Đây là cố gắng lớn trong bối cảnh ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Trả lời câu hỏi, trong số nhiều ý kiến thì người dân vẫn bày tỏ lo âu về công tác đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thời gian qua. Cụ thể như với sản phẩm mũ bảo hiểm, dù đã có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, thế nhưng dường như các loại mũ giả mũ bảo hiểm vẫn bày bán tràn lan và công khai trên thị trường. Bộ trưởng có thể nói gì về thực trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong các kỳ họp gần đây, ngành Công thương đã phối hợp hết sức chặt chẽ với cơ quan hữu quan, với Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ KH và CN và Ủy ban ATGT quốc gia triển khai rất nhiều biện pháp.

Trước hết, đã tập trung vào kiểm tra, kiểm soát, xử lý những cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo chất lượng đối với mũ bảo hiểm theo quy chuẩn. Đây có thể được xem là khâu gốc của vấn đề. Nếu chúng ta làm tốt việc kiểm tra và xử lý những sai phạm này thì những khâu sau như lưu hành, sử dụng các mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ được hạn chế rất nhiều. Do vậy, trong thời gian vừa qua, nhất là từ đầu năm 2013 đến nay thì chúng tôi đã tổ chức ra quân 2 đợt tương đối rầm rộ, tập trung sức lực của toàn bộ hệ thống các cơ quan chức năng vào một việc hết sức bức xúc của xã hội. Qua đó, sơ kết rút kinh nghiệm cho đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với những sản phẩm hàng hóa khác. Bước đầu đã tịch thu khoảng 60.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đã được kiểm tra và đã xử lý sai phạm. Đến nay, tình trạng bày bán, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng đã được hạn chế khá nhiều và tôi nghĩ rằng kết quả bước đầu này có tín hiệu rất tốt, để thời gian tới chúng ta tiếp tục đấu tranh chống lại nạn mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Trả lời câu hỏi không chỉ băn khoăn về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà người dân còn chưa yên tâm cả trong cách xử lý vì nhiều khi còn mang tính hình thức và chưa triệt để. Cụ thể như việc xử lý vi phạm về nhãn mác đối với mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng. Theo Bộ trưởng thì trong thời gian tới chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt nào để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Về hành vi phân bón chất lượng thấp hoặc phân bón giả gây tác hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, cho quyền lợi chính đáng của người nông dân và cho cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón mà hoạt động nghiêm túc. Đây cũng là bức xúc trong công tác quản lý thị trường hiện nay. Chúng ta đã làm được nhiều việc, từ năm 2012 đến hết 6-2013, đã kiểm tra hơn 5.000 các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón và đã xử phạt 1.370 trường hợp với số tiền xử phạt là 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiếp diễn và nếu như chúng ta không có giải pháp thích hợp hơn, có hiệu quả hơn thì công tác chống hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo tôi thì có mấy lý do, trước hết là hàng phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng được nhập từ nước ngoài vào trong khi đường biên giới của chúng ta lại rất dài nên việc kiểm soát cũng khó khăn.

Thứ 2, về mặt kinh tế, đối với những cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh chất lượng phân bón kém, phân bón không đảm bảo theo yêu cầu lợi nhuận lớn hơn số tiền xử phạt, vì vậy nếu không có tính răn đe đủ sức thì sẽ tiếp tục vi phạm.

Thứ 3 là vấn đề xã hội, những cư dân ở biên giới nơi nạn buôn lậu nhiều hàng hóa, trong đó có cả phân bón giả vẫn tiếp diễn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho đồng bào ở những khu vực biên giới.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách căn cơ hơn, hiệu quả hơn thì chúng tôi cho rằng việc đầu tiên phải tăng cường công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý, làm sao phải có quy định thật chặt chẽ để không có kẽ hở trong các quy định này cho các phần tử lợi dụng.

Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm. Đồng thời, phải nâng cao tuyên truyền bởi đây không phải là lỗi của người dân mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước câu hỏi: Với người nông dân thì câu chuyện về hạt lúa luôn quan trọng vì tác động trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của bà con. Trong thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn là tại sao Bộ Công thương lại tham mưu, đề xuất ban hành Nghị định 109, chỉ cấp phép xuất khẩu gạo cho khoảng 100 thương nhân đầu mối đủ điều kiện. Điều này có thể góp phần “bóp nghẹt” đầu ra cho hạt gạo của Việt Nam. Cũng từ đó nảy sinh những nhóm lợi ích vì xuất hiện tình trạng mua bán quyền xuất khẩu gạo. Vậy, chúng ta khắc phục tình trạng này như thế nào thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Nghị định 109 được ban hành năm 2009, đây không phải là sản phẩm riêng theo đề xuất của Bộ Công thương. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp lấy ý kiến của các bộ, các ngành và tham vấn rất rộng đến các địa phương và hiệp hội ngành nghề trong đó có Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Cùng với việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thì Chính phủ giao cho ngành Công thương chủ trì phối hợp xây dựng Nghị định 109. Nghị định này về vấn đề sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung vào các tiêu chí đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có năng lực về kho chứa, phải có cơ sở xay xát, khả năng về tài chính và quan trọng nhất phải chứng minh tìm được thị trường xuất khẩu. Đây là những quy định kỹ thuật mà tôi cho rằng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như là phù hợp với cách thức chúng ta đang tiến hành trong quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường có điều kiện, không phải ai cũng làm được nếu không đủ tiêu chuẩn. Do vậy, số lượng các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí này tự nhiên giảm dần.

Về 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo thì đây cũng không phải đề xuất của Bộ Công thương. Qua thực tế khi vận hành Nghị định 109 thì ý kiến của nhiều đơn vị cho rằng, phải giảm bớt số đầu mối để các doanh nghiệp được cấp phép làm việc có hiệu quả. Chính vì lý do đó và thực tế đó nên vừa qua, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương cùng với Bộ NN và PTNT và các đơn vị khác nghiên cứu và tiếp tục trình Chính phủ dự thảo về quy hoạch các cơ sở được phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ngày 31-7, Chính phủ đã có Văn bản 1711 thông báo đồng ý sửa đổi bổ sung như sau: tập trung vào khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, về kho bãi, về thị trường, được thuận lợi trong việc kinh doanh và xuất khẩu gạo và kiên quyết ngăn chặn tình trạng của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện thậm chí là không có khả năng nhưng lại được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo, rồi bán lại giấy phép hoặc là trục lợi trên quy định của Chính phủ.

Thứ 2, trước mắt vẫn phải khống chế doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo bởi số lượng trước đây xuất khẩu là 3-4 triệu tấn thì nay là 6-7 triệu tấn thì cũng nên quy định về mặt số lượng tương đối. Theo quyết định của Thủ tướng thì chúng ta được phép cân đối trong khoảng 150 doanh nghiệp thay vì 100 doanh nghiệp như trước.

Thứ 3, khuyến khích các doanh nghiệp trong số có nhu cầu về đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ dành ưu tiên cho những vùng có nguyên liệu; doanh nghiệp có cam kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nông dân, đây cũng là thực hiện theo Quyết định 80 của Thủ tướng về liên kết 4 nhà; tiến tới sau này các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải gắn với người sản xuất. Và một điều kiện nữa là với những doanh nghiệp có liên tiếp 2 năm không xuất khẩu được quá 10 nghìn tấn gạo một năm thì sẽ không cấp phép nữa.

Đây là tinh thần mới nhất của Chính phủ và tôi cho rằng đây cũng là công cụ pháp lý để góp phần chấn chỉnh nâng cao quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo vì lợi ích của người nông dân./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com