Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:07, 22/07/2013

Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào cuộc sống, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước.

Tại tỉnh ta, cùng với việc tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân sử dụng hàng Việt Nam, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các sở: KH và ĐT, NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Công thương Thành phố Hà Nội… đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời có điều kiện giao lưu, phối hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu với thị trường nội địa và quốc tế. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường như: chăn - ga - gối - đệm của Cty CP May Sông Hồng, quần áo thời trang của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; gạo Tám xoan Hải Hậu, nước mắm Sa Châu (Giao Thủy); đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên); máy nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường)… Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, Sở Công thương còn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều hội chợ thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Bán hàng Việt khuyến mại”… Việc chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp trong các khu, CCN… của tỉnh đã chủ động tiếp cận và sử dụng các chi tiết máy móc, thiết bị, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tăng năng suất, lợi nhuận. Khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, các Cty dược trong tỉnh đều chủ động tìm tòi, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất các loại thuốc điều trị bệnh cho nhân dân. Các doanh nghiệp dược phẩm đã tích cực đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại để cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao. Cty CP Nam Dược (KCN Hòa Xá) đã ký hợp đồng với các địa phương trong tỉnh xây dựng vùng sản xuất dược liệu hàng hóa. Hiện tại Cty đã hình thành các vùng trồng cây dược liệu chủ yếu như: cây dây thìa canh trồng ở huyện Hải Hậu, cây đinh lăng trồng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ; cây ngưu tất, huyền sâm trồng ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực; cây cát cánh trồng ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh… Hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất người tiêu dùng trong nước, Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) tại Thành phố Nam Định, bao gồm các dây chuyền sản xuất thuốc viên nén trần, viên nén bao phim; viên nén bao đường, thuốc nang mềm, nang cứng; thuốc gel, thuốc đông dược, thuốc nước, thuốc nhỏ mắt… Toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy, với 5 xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hệ thống phân phối 517 cơ sở cung ứng thuốc, hiện đã có 25 đơn vị đã được công nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) và 32 nhà thuốc, 23 quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP). Thông qua hệ thống đại lý, nhà thuốc, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp dược phẩm trong tỉnh sản xuất đã được sử dụng trong các bệnh viện, phục vụ nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân. Ngoài thị trường trong tỉnh, các Cty dược phẩm cũng đã hình thành các trung tâm phân phối và hệ thống đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp cận và cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Khách hàng có nhiều lựa chọn các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao tại Siêu thị BigC Nam Định.
Khách hàng có nhiều lựa chọn các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao tại Siêu thị BigC Nam Định.

Ở khối các doanh nghiệp cơ khí, nhiều doanh nghiệp của các huyện Nam Trực, Ý Yên, Xuân Trường có thế mạnh về ngành cơ khí đã tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện Xuân Trường là địa phương có thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo với những làng nghề cơ khí truyền thống nổi tiếng thuộc các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên và Thị trấn Xuân Trường đã chế tạo được các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp như: máy tuốt lúa, máy làm gạch, máy đảo trộn bê tông, không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các nước Lào, Trung Quốc. Khối doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hoá được bày bán tại các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn như: BigC, Micom Plaza, chiếm 80-90% tổng sản lượng hàng hóa. Siêu thị BigC đã tổ chức thu mua nhiều mặt hàng thực phẩm ngay tại nông trại và liên kết tổ chức sản xuất hàng trăm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm giảm tối đa các chi phí sản xuất, phân phối, đưa sản phẩm chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Để thu hút khách hàng, Siêu thị BigC và Trung tâm Thương mại Micom Plaza đều tổ chức các tuyến xe buýt miễn phí để đưa đón khách hàng, vận chuyển hàng hoá về các vùng nông thôn. Hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công thương phát động, từ tháng 7-2012 đến tháng 2-2013, Micom Plaza đã tổ chức 14 phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản… Hàng nghìn mặt hàng thuộc 10 nhóm hàng Việt Nam chất lượng cao như: thực phẩm, hàng may mặc, dụng cụ nhà bếp, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, đồ dùng gia đình,… được bày bán trong các phiên chợ. Với chiến lược giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn, đồng thời thực hiện giảm giá từ 15-50% mỗi ngày, các phiên chợ đã thu hút trên 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt hơn 150 triệu đồng/ngày. Dự kiến, những tháng cuối năm 2013 và chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngoài việc ký kết các hợp đồng dự trữ lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu của nhân dân, Micom Plaza có kế hoạch thực hiện từ 15-17 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch tổ chức thị trường, xây dựng hệ thống phân phối phù hợp bảo đảm cung ứng hàng nội chất lượng tốt với giá thích hợp nhất, khuyến khích tiêu dùng để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Để phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, các ngành chức năng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nội địa; thực hiện các biện pháp lành mạnh hoá thị trường, đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu, hàng kém phẩm chất cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội địa. Các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, phương tiện, công cụ giúp người tiêu dùng phân biệt hàng lậu, kém chất lượng, giá rẻ bán trôi nổi trên thị trường./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com