Chúng tôi có dịp được xem người dân xóm Thiên Lý, làng Đỗ Xá (Điền Xá, Nam Trực) làm mành mành. Dưới cái máng rộng bằng nửa thân cây luồng già được cố định chắc chắn bằng 2 chân nạng mỗi đầu máng; bàn tay những người phụ nữ trong xóm đang miệt mài, khéo léo dệt mành mành. Tiếng những quả xâu móc đều đều gõ vào mành tre lách cách, vui tai. Từ hàng trăm năm nay, những tiếng kêu của quả xâu móc đã làm nên thương hiệu mành mành Đỗ Xá nức tiếng cả nước. Người dân nơi đây từ già đến trẻ đều có thể làm mành và mang ý thức duy trì như giữ nét đẹp của một làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời.
Lách cách… làng mành
Xuôi Quốc lộ 21, đến Đỗ Xá vào những ngày này, người dân trong làng ngoài câu chuyện đồng ruộng, nhà cửa, gia đình, cây cảnh bán giá thế nào còn có những câu chuyện về mành mành. Tháng này, nhà nào trong các xóm bán được nhiều mành mành, nhà nào đang nhận được những “đơn mành” lớn?... Nghề mành mành, có thể do biến thiên của thời gian, nhu cầu thị trường mà bị tác động nhưng người làng Đỗ Xá không vì thế mà không “yêu” nghề. Tương truyền, nghề đan mành tre của làng Đỗ Xá có từ thế kỷ 17, do ông tổ nghề là cụ Đỗ Đình Kênh người Bắc Ninh truyền dạy. Từ đó cho đến nay, bao thế hệ cha ông làng Đỗ Xá đã “ăn, ở” với mành. Cũng từ nghề tổ, người làng qua năm tháng sáng tạo thêm nhiều loại mành. Riêng mành tre đã có tới hơn chục loại như mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn, mành làm giát giường... Mỗi loại mành, vì thế là công sức, tài hoa của người làm nghề. Tuy nhiên, loại mành thông dụng nhất vẫn là mành tre dùng để treo cửa ra vào tránh mưa nắng, côn trùng… Bên cạnh đó còn có mành che chạn bát, giát giường, một số dụng cụ đánh bắt cá như đơm, đó, lờ… Đặc biệt, ở Đỗ Xá có sản xuất loại mành nan nhỏ, sơn vẽ họa tiết theo tích cổ, buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên, được khách hàng khắp nơi ưa thích. Muốn làm được loại mành này, người thợ thủ công ngoài việc biết dệt mành mành còn phải có hoa tay để vẽ. Không phải người dệt mành mành nào cũng biết vẽ, vì vậy trong làng trước đây hay thuê những người thợ chuyên kẻ vẽ câu đối để… vẽ mành. Sơn để vẽ loại mành này được làm từ nguyên liệu khá đặc biệt, keo da trâu hòa với thuốc màu từ những nguyên liệu tự nhiên. Độ bền của nét vẽ, do đó qua hàng chục năm vẫn lưu đậm trên mành.
Bố con ông Đỗ Duy Sờn, xóm Thiên Lý, làng Đỗ Xá dệt mành mành. |
Người làm mành mành cũng không mất quá nhiều công sức cho một tấm mành. Để làm được mành mành cần 1 máng gỗ, nứa, trái dệt (còn gọi là quả xâu móc) dùng để dệt, sợi dù hoặc ni lông. Tuy nhiên, để có một mành mành đẹp, đạt chuẩn, người làng Đỗ Xá rất “kỹ tính” trong chọn khâu nguyên liệu. Mành mành đẹp hay không, chủ yếu là do tre, nứa. Những cây tre, nứa được dùng phải là những cây già có đốt thẳng, đều và dài. Trước đây, loại tre, nứa được người dân trong làng ưa chuộng để đan mành mành phần nhiều lấy tận miền ngược của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Những năm trở lại đây, những thứ cây này mọc trên những cánh rừng bạt ngàn của các huyện vùng cao Thanh Hóa, Nghệ An cũng được người dân trong làng chọn mua làm mành. Tre, nứa mang về, người làng Đỗ Xá không làm ngay mà cẩn thận mang ngâm xuống ao bùn ở trước nhà một thời gian. Khi chuẩn bị làm mành mành, họ vớt lên, mang ra trước nhà phơi cho được nắng. Cây “ngậm” nước lâu ngày gặp nắng thì khô sắt lại. Ấy là khi nguyên liệu đã đảm bảo độ “chắc” tối đa, lúc đó người làng mới mang cắt thành những khúc dài, ngắn khác nhau tùy độ dài của tấm mành mành định làm. Người cao niên trong làng có kinh nghiệm về mành mành thường phụ trách khâu chẻ, “lột bụng” bỏ cật, chuốt nan sao cho óng, cho đều. Có lẽ công đoạn này phù hợp vì nhẹ nhàng mà cũng đòi hỏi tính cẩn thận của những người có tuổi. Người trẻ, nhanh tay, nhanh mắt hơn thì dệt mành. Nan mành dựng sẵn ở hai đầu máng, người dệt mành cứ vậy mà thoăn thoắt dùng tay lấy nan để dệt. Trong một ngày, nếu không phải chẻ nan, một người có thể dệt tối đa 5m2 mành. Nếu vừa chẻ nan vừa dệt, người dệt nhanh cũng chỉ dệt được khoảng 3m2. Bàn tay của người thợ thủ công, của các bà, các mẹ, các chị… đã dệt nên loại mành mành không “lẫn” vào đâu được của Đỗ Xá. Đó là những tấm mành mành có độ khít, bền, đẹp. Khi dệt người thợ cẩn thận chú ý lật mặt từng sợi nan, sao cho mặt cật và mặt lõi đan xen nhau để khi sử dụng tấm mành không bị cong vênh. Mành làm giát giường rất chặt, khít nên khi trải chiếu nằm không bị đau lưng như các loại giát giường gỗ nan thưa thông thường. Với các công đoạn gia công kỹ lưỡng, các sản phẩm mành mành của làng có độ bền cao, khó bị mối mọt, có thể dùng đến mươi mười lăm năm chưa hỏng. Người làm mành mành làng Đỗ Xá cho biết thêm, nghề này có cái hay nhất là tận dụng được mọi thời gian rỗi. Già trẻ, lớn bé đều có thể làm mành. Mành mành làm xong thì mang dựng ngay trước cửa nhà, coi như cách để “quảng bá” sản phẩm. Khách hàng nghe tiếng làng mành từ lâu chỉ việc “đảo xe” khắp làng chọn mành mành nhà nào ưng ý. Nếu bán ở nhà không hết, người làm mành mành hằng ngày nghe tiếng con gà gáy canh năm, trở dậy tất bật chở mành mành vào chợ phiên xóm Trung của làng để bán. Chợ này hầu như chỉ bán duy nhất các loại mành mành. Thương lái khắp nơi cũng đổ về chợ để mua, chọn mành. Từ đây, mành mành của làng có cơ hội đến với nhiều vùng quê khác trong cả nước.
Lo lắng… làng mành
Ông Đỗ Duy Sờn, xóm Thiên Lý, làng Đỗ Xá năm nay cũng đã vào ở cái tuổi gần 60. Gia đình ông từ thời bố mẹ, ông bà đã gắn bó với nghề mành mành. Hiện, ông cùng vợ và con gái hằng ngày vẫn tranh thủ lúc nông nhàn, rảnh rỗi làm mành mành. Theo ông Sờn, xóm Thiên Lý là xóm có nhiều gia đình làm nghề mành mành nhất của làng Đỗ Xá. Trước đây khoảng 20 đến 30 năm cả làng Đỗ Xá ai ai cũng làm mành. Tuy nhiên, hiện tại cả làng chỉ còn khoảng 100 hộ gia đình duy trì được nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “không mặn mà” của chính những người dân làng nghề truyền thống. Theo ông Sờn có thể kể ra, dân trong làng hiện tập trung chủ yếu vào nghề cây cảnh đang phát triển rất mạnh trong những năm trở lại đây. Thu nhập từ làm mành mành quá thấp, không hấp dẫn được lao động. Thị trường tiêu thụ không khả quan, mành mành lại chỉ bán buôn được theo thời vụ, mùa hè bán mạnh, mùa đông thì hầu như không có người mua… Người làm mành mành trong làng nhẩm tính ra ngay lợi nhuận họ thu về sau 1 ngày lao động. Để làm được 1m2 mành mành cần phải mất 2 cây nứa, tre (đầu, đuôi bỏ đi), 1 lạng sợi. Giá cây nguyên liệu trên thị trường dao động từ 20-60 nghìn đồng/cây tùy loại tốt xấu. Một kg sợi ni lông có giá 55 nghìn đồng, nếu người dệt dùng sợi dù thì đắt hơn, có giá 80 nghìn đồng/kg. Các loại mành kích cỡ 1,2m bán ra với giá 120 nghìn đồng/mành, mành 1,5m là 140 nghìn đồng/mành. Trừ chi phí, người làm mành thu nhập từ 20-50 nghìn đồng/ngày. Nhà ai làm giát giường thì thu nhập khả quan hơn chút ít. Giá 1 giát giường kích cỡ 1,5m đến 1,9m dao động trong khoảng 140-200 nghìn đồng. Để làm 1 giát giường 1,5m người thợ thủ công cần ít nhất 3 gốc nứa già. Một thợ làm nhanh, một ngày làm được khoảng 3 giát giường. Trừ chi phí, một tháng công lao động của thợ vào khoảng 1,5 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, nhiều hộ gia đình trong làng đã chuyển sang tìm ngành nghề kinh tế khác để phát triển. Số hộ còn lại, ngoài việc đa dạng hóa mặt hàng, nhập thêm các sản phẩm như chiếu tre từ các tỉnh Thái Bình về bán thêm, chấp nhận đây là nghề phụ làm cho đỡ buồn tay, buồn chân và giúp trang trải các sinh hoạt nhỏ trong gia đình.
Mặc dù thị trường cho mành mành Đỗ Xá trong mấy năm gần đây có khả quan hơn, sản phẩm mành mành của làng hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố nhưng không vì thế mà những người làm mành mành bớt “lo lắng”. Trao đổi với chúng tôi, đa phần những người làm nghề đều mong muốn được bao tiêu sản phẩm một cách chắc chắn. Nếu có những đại lý, Cty nhận thu mua sản phẩm làm ra thì dẫu giá cả tương đối thấp họ vẫn cứ làm. Bù lại, người làm mành có thu nhập ổn định quanh năm. Mành mành là mặt hàng thời vụ, nếu làm ra sản phẩm mà không bán được hoặc chỉ “dựng” đó chờ mùa hè thì họ không dám làm. Người làm nghề thủ công vốn ít như người làm mành cũng sẽ rất khó khăn để xoay xở khi nhập nguyên liệu. Và mặc dù, thương hiệu mành mành Đỗ Xá đã có lịch sử lâu năm, nhưng theo quan sát của chúng tôi, cách “tiếp thị” của người thợ thủ công ở đây vẫn hết sức đơn giản. Ngoài bày ra trước nhà, mang vào chợ làng bán, họ không có hình thức quảng bá nào khả quan hơn. Thiết nghĩ, để duy trì nghề truyền thống, ngoài sự “tự” vận động của người dân làng nghề, cần có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nói chung. Bởi, trước đây 20 đến 30 năm gần như 100% dân trong làng đều làm mành mành. Vậy mà, hiện giờ với 12 xóm, Đỗ Xá chỉ còn khoảng 100 hộ gia đình theo nghề. Đặt câu hỏi tiếp theo, 20 đến 30 năm nữa, nếu tình hình vẫn với cách làm như hiện nay, sẽ còn bao nhiêu gia đình trong làng “sống” với nghề? Câu hỏi này có vẻ sẽ làm “khó” rất nhiều cho nghề truyền thống mành mành làng Đỗ./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân