Hỗ trợ xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể "Nước mắm Giao Châu"

05:12, 29/12/2012

Xã Giao Châu (Giao Thủy) có 2.385 hộ, với 9.127 khẩu, có nghề sản xuất nước mắm truyền thống và sản phẩm nước mắm Sa Châu từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng. Thời hưng thịnh, cả xã có đến 300-400 hộ làm nước mắm với sản lượng hàng trăm nghìn lít nước mắm mỗi năm... Hiện tại, xã Giao Châu còn hơn 100 hộ sản xuất nước mắm, tập trung ở làng Sa Châu, mỗi năm tiêu thụ từ 1.800-2.000 tấn tôm, cá các loại. Tuy nhiên, nghề làm nước mắm ở đây hiện đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất kém phát triển. Nguyên nhân là do người làm nghề, chính quyền địa phương chưa quan tâm xây dựng thương hiệu; nước mắm Sa Châu ngày càng bị nước mắm giả "lấn sân"; nhiều hộ đã bỏ nghề chuyển sang làm nghề khác; thậm chí tên gọi “nước mắm Sa Châu” đã bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Không có cơ chế kiểm tra, giám sát nguyên liệu đầu vào nên chất lượng nước mắm của các hộ trong xã cũng bị ảnh hưởng.

Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống ở làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ). Ảnh: Nguyễn Hương
Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống ở làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ). Ảnh: Nguyễn Hương

Trước thực trạng trên, năm 2011, UBND tỉnh, Sở KH và CN đã quyết định hỗ trợ HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thuỷ (xã Giao Châu) thực hiện dự án “Hỗ trợ tạo lập và xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể (NHTT) “nước mắm Giao Châu” cho sản phẩm nước mắm của xã Giao Châu” nhằm mục tiêu xác lập quyền NHTT “nước mắm Giao Châu” cho sản phẩm nước mắm của xã Giao Châu; xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT “nước mắm Giao Châu” góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cũng như bảo vệ uy tín của sản phẩm. Dự án đã tiến hành khảo sát về hàng hoá, dịch vụ và vùng sản xuất, kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng đối với sản phẩm nước mắm; lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng NHTT; thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu NHTT để đăng ký xác lập quyền sở hữu; xây dựng quy chế sử dụng NHTT; tiến hành các thủ tục đăng ký NHTT. Dự án đã tổ chức phân tích chất lượng sản phẩm làm cơ sở cho việc công bố về chất lượng sản phẩm và làm căn cứ xây dựng quy chế sử dụng NHTT. Xác định những đặc trưng cơ bản của nước mắm Giao Châu và xây dựng báo cáo thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu. Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và tiến hành công bố tiêu chuẩn cho chất lượng sản phẩm. HTX đại diện và thay mặt cho các hộ sản xuất, kinh doanh đứng tên đăng ký NHTT. Sau khi NHTT được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN), HTX sẽ tổ chức triển khai các hoạt động quản lý việc sử dụng NHTT và các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác, phát triển giá trị NHTT. HTX và các thành viên đưa ra ý tưởng thiết kế biểu tượng (logo) NHTT. Mẫu nhãn hiệu phải thể hiện được đặc trưng của sản phẩm và hàm chứa đầy đủ các dấu hiệu nhận biết thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm, vùng địa danh và phải nêu rõ tên địa danh... để đưa ra quyết định lựa chọn mẫu NHTT để đăng ký. Xây dựng quy chế sử dụng NHTT phục vụ việc lập hồ sơ đăng ký. Các nội dung chính liên quan đến xây dựng quy chế sử dụng NHTT bao gồm: Xây dựng dự thảo quy chế, tổ chức họp lấy ý kiến về các nội dung quy chế, hoàn thiện và ban hành quy chế. Tiến hành các thủ tục đăng ký NHTT. Xây dựng hệ thống phương tiện, điều kiện quảng bá NHTT. Triển khai thực hiện thí điểm các nội dung quản lý NHTT "nước mắm Giao Châu”. Sau khi hoàn thành các thủ tục, HTX sẽ tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu về NHTT, văn bản, quy định quản lý sản phẩm mang NHTT; trong đó tổ chức 2 lớp cho các hộ tham gia sản xuất nước mắm trong vùng thí điểm và 1 lớp cho các cán bộ của HTX, các cơ quan quản lý liên quan về mô hình và các quy trình quản lý NHTT về cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích của các thành viên tham gia mô hình quản lý; phương thức khai thác thương mại cho sản phẩm; kỹ năng quản lý điều hành tổ chức, khả năng nắm bắt thị trường và mở rộng thị trường... Triển khai một số hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu NHTT như: tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng phóng sự, đăng bài quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc xây dựng thành công NHTT “nước mắm Giao Châu” sẽ góp phần đảm bảo quyền sử dụng NHTT hợp pháp cho tổ chức, ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép NHTT. Từ đó làm tăng giá trị của sản phẩm nước mắm Giao Châu trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề sản xuất nước mắm của xã. Đồng thời việc quảng bá NHTT “nước mắm Giao Châu” sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, góp phần ổn định và mở rộng thị trường. Dự án được thực hiện thành công sẽ là một trong những mô hình điểm để nhân rộng về xây dựng NHTT cho các sản phẩm nông sản khác trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.

Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com