Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:11, 29/11/2012

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, 3 năm qua Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) của tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền quảng bá các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn. Qua đó, đã nâng cao ý thức tự tôn dân tộc của các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các địa phương trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hoá được sản xuất trong nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Cty CP May Sông Hồng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Cty CP May Sông Hồng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Cùng với việc tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng và sản xuất, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành như: Hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp vào KCN Hòa Xá; hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các điểm công nghiệp ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và ĐT và các ngành chức năng tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng các loại hình thương mại, hội chợ, sàn giao dịch việc làm, mở các siêu thị… để phục vụ người tiêu dùng. Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các sở: KH và ĐT, NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các KCN của tỉnh, Sở Công thương Hà Nội… đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong 3 năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức 6 hội chợ, triển lãm, thu hút trên 500 doanh nghiệp tham gia, với số lượng gần 900 gian hàng và trên 800 nghìn khách tham quan với tổng doanh thu trên 101,5 tỷ đồng. Tiêu biểu là Hội chợ triển lãm thương mại Nam Định năm 2012 với quy mô trên 180 gian hàng; Hội chợ triển lãm sản phẩm CN-TTCN, làng nghề và hàng tiêu dùng khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2012 với quy mô trên 300 gian hàng. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tạo điều kiện cho các Tổng Cty, tập đoàn kinh tế phát triển mạng lưới phân phối, bán hàng tại các địa phương trong tỉnh; động viên, hỗ trợ, tổ chức cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn. Tiêu biểu như Siêu thị BigC Nam Định đã tổ chức bán hàng về huyện Hải Hậu với doanh số đạt trên 500 triệu đồng; Cty Rồng vàng Việt Nam đưa hàng về các vùng nông thôn trong tỉnh. Ngoài ra, Sở Công thương tăng cường công tác đào tạo, khuyến công, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; tổ chức các chương trình hợp tác liên kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh với Thành phố Hà Nội; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mại, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia và quốc tế. Trong 3 năm qua, đã có 1.184 chương trình khuyến mại được thông báo đến Sở Công thương, trong đó có 308 chương trình tổ chức trên địa bàn tỉnh và 876 chương trình tổ chức trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Chi cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo uy tín chất lượng hàng Việt, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản, công bố các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hoá thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Thông qua công tác tuyên truyền và sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, các cấp, các ngành đã giúp các doanh nghiệp và doanh nhân nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế của quê hương, đất nước, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong 3 năm qua, có nhiều nhóm sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng như: các sản phẩm dệt may, quần áo, chăn, ga, gối các loại, khăn mặt, khăn tắm của Cty CP May Sông Hồng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam…; nhóm sản phẩm giày dép Bitis'; sản phẩm điện tử, dược phẩm… của Cty CP Honley, Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty CP Traphaco sản xuất; các sản phẩm nông nghiệp: gạo tám Hải Hậu, nước mắm Ninh Cơ, rượu nếp Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; đồ đồng mỹ nghệ Yên Xá, đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên) và Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); máy nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường) và các sản phẩm cơ khí của làng nghề Nam Giang (Nam Trực)... Thông qua các điểm kinh doanh thương mại lớn như Siêu thị BigC Nam Định; Trung tâm Thương mại Micom Plaza đã tạo và tăng độ tín nhiệm sử dụng hàng hoá được sản xuất trong tỉnh, trong nước.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước về chất lượng và giá cả sản phẩm, ưu tiên sử dụng các mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội, ưu tiên sử dụng hàng nội địa khi mua sắm đầu tư công. Các ngành chức năng chủ động nắm tình hình, phát hiện kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách và trong sản xuất, kinh doanh; ban hành cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp để khuyến khích, động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường. Tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu người tiêu dùng để có kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối phù hợp; có hình thức quảng bá, khuyến mại; đưa hàng hoá của doanh nghiệp về nông thôn và đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt có chính sách hậu mãi, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com