Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, nên thị trường đồ chơi tại các điểm chuyên kinh doanh đồ chơi cho trẻ em như ở các phố Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, khu vực chợ Rồng (TP Nam Định) đã rất nhộn nhịp.
Cũng như mọi năm đồ chơi trung thu năm nay chủ yếu là hàng Trung Quốc vẫn lấn át hàng nội. Tại siêu thị Micom Plaza, đồ chơi rất nhiều chủng loại và đắt tiền như những chiếc ô tô điều khiển từ xa lên tới vài ba triệu đồng, có những bộ siêu nhân lên tới vài trăm nghìn đồng, hầu hết là hàng nhập ngoại, bên cạnh đó là những bộ đồ chơi siêu nhân xếp hình, máy bay, ôtô... nhưng lại vắng bóng các loại đồ chơi truyền thống như trống, đèn ông sao, đầu sư tử... Tại khu vực chợ Rồng, các loại đồ chơi truyền thống tuy có "chỗ đứng" nhưng khá khiêm tốn, không thấy bày bán đầu sư tử, đèn ông sao, chỉ khi hỏi mua thì người bán hàng mới vào tận cùng trong quầy lấy ra mấy chiếc đầu sư tử nhỏ giá 15 nghìn đồng. Được biết các mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10-15%. Theo một chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Rồng, năm nay, giá các sản phẩm đồ chơi Tết Trung thu tăng khoảng gần 20%, đặc biệt ở các loại đồ chơi cao cấp. Lý giải việc này, một người chủ cửa hàng đồ chơi ở phố Lê Hồng Phong cho rằng, năm nào giá cũng nhích lên và năm nay cũng không phải ngoại lệ do chi phí nhập hàng khá đắt.
Một quầy bán đồ chơi Trung thu tại chợ Rồng (TP Nam Định). |
Tuy vậy, lượng người mua đồ chơi trung thu nhập ngoại năm nay vẫn đông như mọi năm. Mặt hàng đồ chơi bán chạy có thể kể đến là bộ siêu nhân lắp ghép, đèn lồng, gậy cừu vui vẻ phát sáng hoặc các loại đồ chơi có màu sắc bắt mắt như bờm, nơ, cánh bướm, vương miện, siêu nhân, ôtô... xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc thu hút sự quan tâm của phần lớn trẻ em. Dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường nhưng các mặt hàng đồ chơi như: ôtô, xe máy, máy bay vẫn được nhiều bé trai ưa chuộng trong mùa Trung thu này, giá của những mặt hàng này từ 20.000-60.000 đồng/sản phẩm. Nguyên nhân của việc các mặt hàng Trung Quốc chiếm lĩnh trên thị trường đồ chơi trung thu là do họ đã nắm bắt được tâm lý của người mua và đối tượng sử dụng nên sản xuất những mặt hàng có mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý, phù hợp với nhiều người tiêu dùng. Chẳng hạn như đèn lồng của Trung Quốc mỗi năm đều thay đổi về hình dáng và có thêm nhiều những tính năng khác, còn nơ, bờm, cặp tóc dành cho các bé gái có thêm những tiện ích khác ngoài chức năng chính của nó, không như các mặt hàng đồ chơi trong nước qua nhiều năm vẫn không có cải tiến gì nhiều, mẫu mã lại khá đơn giản. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính khiến đồ chơi trong nước không thu hút đông đảo các em bởi do các nhà sản xuất trong nước không nắm bắt kịp thời nhu cầu "chơi" gắn với "xem, đọc" đang thịnh hành của các "thượng đế" nhỏ tuổi hiện nay, do vậy họ tung ra thị trường những sản phẩm không mấy "ăn nhập" với thực tế, trong khi đồ chơi nhập ngoại luôn "khơi nguồn" vào tính thời sự nóng hổi của sản phẩm để tung ra thị trường những sản phẩm đánh trúng sở thích của các em như các nhân vật trong phim "Tây du ký", "Cừu vui vẻ và sói xám", "Đô rê mon"... Mặt khác, do tâm lý ưa thích những món đồ mới lạ, hấp dẫn, nên nhiều trẻ thích đồ chơi súng, đao, kiếm... Tuy nhiên, điều đó gián tiếp tạo cho trẻ tính hung hãn dễ bị kích động do bị ảnh hưởng bởi những trò chơi mang tính bạo lực này.
Nhằm giảm thiểu các mối nguy hại và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ em, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH và CN) đã đưa ra hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (viết tắt là QCVN3: 2009/BKHCN). Bộ KH và CN đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, tất cả đồ chơi trẻ em dưới 16 tuổi trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải được chứng nhận hợp quy và có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hóa, số hiệu, ngày tháng sản xuất, chỉ tiêu chất lượng… Căn cứ vào đó, tất cả các đồ chơi đạt chuẩn đều phải dán tem CR (chứng nhận hợp quy). Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại một số cửa hàng bán đồ chơi trên phố Trần Hưng Đạo và khu vực chợ Rồng, chúng tôi nhận thấy một thực tế là không ít các cửa hàng chưa thực hiện gắn dấu hợp quy CR theo quy định. Chất lượng các sản phẩm này còn rất nhiều điều đáng bàn, đặc biệt là ở loại đồ chơi bán theo cân với giá rẻ, cá biệt, có loại đồ chơi khoảng 40-50 nghìn đồng/cân mà loại nhựa được sử dụng để sản xuất sản phẩm này phần lớn là nhựa tái chế nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận và mua với số lượng không nhỏ.
Trước những thông tin về nguy cơ các mẫu đồ chơi Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn, gây hại tới sức khỏe và tâm lý trẻ nhỏ, nhưng dường như những thông tin này không hề tác động nhiều tới nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Bên cạnh loại đồ chơi chất lượng nhựa và các yếu tố khác không đảm bảo, thì các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng, dao, kiếm… vẫn được nhiều cửa hàng bày bán và đây lại là mặt hàng tiêu thụ lớn nhất ở các quầy hàng bán đồ chơi hiện nay. Trong số đó có không ít loại đồ chơi nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ như: súng bắn đạn nhựa cứng, kiếm răng cưa. Một số đồ chơi ảnh hưởng đến sức khoẻ được nhiều bé gái lựa chọn là đồ “nữ trang” bằng nhựa, là loại đồ chơi sử dụng nguyên liệu chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Mặc dù những sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo về mức độ nguy hiểm, song chúng vẫn được bày bán công khai. Trước thị trường đồ chơi sôi động nhưng bát nháo và tiềm ẩn đầy bất trắc như hiện nay, nếu không có sự định hướng của người lớn thì trẻ em sẽ khó có ý thức chơi các loại đồ chơi đảm bảo. Hơn ai hết, chính cha mẹ là những người cần có những định hướng đúng đắn nhất cho trẻ trong việc lựa chọn đồ chơi./.
Bài và ảnh: Minh Thuận