Cần một sức mạnh cộng hưởng

06:09, 07/09/2012

“Chúng ta đã xây dựng được một hậu phương khá vững chắc đó là sự đồng thuận của người tiêu dùng nhưng chúng ta lại thiếu đi sự nhiệt tình tham gia của DN, thiếu đi những cơ chế khuyến khích cần thiết do đó cuộc vận động chưa tạo được sự bứt phá như kỳ vọng”, đó là lời chia sẻ của bà Dương Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Vinatexmart về những hạn chế của ngành dệt may trong quá trình hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của Vinatexmart vào 2 thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012 thì có tới 96% người tiêu dùng được hỏi sẵn sàng mua sản phẩm dệt may “made in Viet Nam”. Đây thực sự là điều đáng mừng bởi sau hơn 3 năm đồng hành cùng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) ngành dệt may đã thu được “quả ngọt”. Và điều đó một lần nữa đã được chứng minh qua bức tranh toàn cảnh của ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2012. Trong khi thị trường xuất khẩu gặp muôn vàn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu của các DN giảm trung bình 15% thì thị trường nội địa thực sự là “cứu cánh” của ngành khi doanh thu tiêu thụ nội địa 6 tháng đầu năm tăng 5,5% so với cùng kỳ, riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 8,4%, đạt 9.000 tỷ đồng.

Cần một sức mạnh cộng hưởng từ phía người tiêu dùng, DN và Nhà nước để ý thức tiêu dùng hàng Việt thực sự trở thành ý thức dân tộc của mỗi người dân.
Cần một sức mạnh cộng hưởng từ phía người tiêu dùng, DN và Nhà nước để ý thức tiêu dùng hàng Việt thực sự trở thành ý thức dân tộc của mỗi người dân.

Nhưng một điều thực sự quý giá mà CVĐ đã mang lại không chỉ cho các DN ngành dệt may mà cho cả cộng đồng DN Việt Nam chính là sự thay đổi hành vi và ý thức tiêu dùng của người Việt. Sự thay đổi này sẽ là viên gạch đầu tiên xây nên một hậu phương vững chắc cho các DN nếu như các DN biết tận dụng. 

Theo đó, việc chuyển hóa lòng tin của người tiêu dùng thành hậu phương là điều chắc chắn các DN phải làm nếu như muốn phát triển bền vững nhưng đây cũng là thử thách không dễ vượt. Bởi theo nhận định của bà Dung, hầu hết các DN ngành dệt may tuổi đời còn rất trẻ, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu lại không có nhiều điều kiện để đầu tư cho công nghệ. Đặc biệt, chưa thể có khả năng đầu tư phát triển hệ thống phân phối và hệ quả là sản phẩm dệt may nội địa đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm ngoại ngay trên sân nhà. Và một điều rất lãng phí là phân khúc thị trường nông thôn ngành dệt may cũng đang để trống.

Bên cạnh đó, với quy định chỉ được dành tối đa 5% doanh số cho công tác truyền thông, DN cũng đang gặp không ít rào cản từ cơ chế quản lý của nhà nước trong quá trình xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Thực tế những năm qua, tham gia CVĐ nhiều DN dệt may cũng đã đem hàng về nông thôn, đem hàng về các khu, cụm công nghiệp nhưng bà Dung khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu như DN không đầu tư cho phát triển hệ thống phân phối, không “giữ đất, giữ dân” và không phát triển thương hiệu thì không thể cạnh tranh được.

Hơn nữa, để sản phẩm dệt may nội địa thực sự là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt thì nhất thiết DN phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng; đầu tư cho công nghệ nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất, sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may nội địa; kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… Với những DN bán lẻ như Vinatexmart cần có những chính sách khuyến khích hợp lý bằng thuế hay giá thuê mặt bằng… nhằm tạo điều kiện cho DN mở rộng độ phủ của hàng Việt, bà Dung nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo nên những hiệu ứng rất tích cực và kết quả này không chỉ người tiêu dùng hay DN là đối tượng thụ hưởng mà còn tác động tới cả nền kinh tế do đó cần một sức mạnh cộng hưởng từ phía người tiêu dùng, DN và Nhà nước để CVĐ đi tới đích và để ý thức tiêu dùng hàng Việt thực sự trở thành ý thức dân tộc của mỗi người dân Việt Nam./.

Theo báo Kinh tế Việt Nam



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com