|
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Sản xuất nông nghiệp cả nước chuẩn bị bước vào vụ đông, nhu cầu sử dụng một mặt hàng thiết yếu mang tính thời vụ là phân bón sẽ tăng mạnh. Theo dự báo, năm nay cả nước cần khoảng 9,1 triệu tấn phân bón các loại, gồm 1,8 triệu tấn u-rê, 700 nghìn tấn đạm SA, 900 nghìn tấn ka-li, 750 nghìn tấn DAP, 3,3 triệu tấn NPK và 1,65 triệu tấn lân. Phân lân và NPK trong nước sản xuất đủ nhu cầu, đạm SA và ka-li phải nhập khẩu toàn bộ, u-rê phải nhập khẩu 50% và DAP phải nhập khẩu 65%. Phân bón nhập khẩu đương nhiên chịu tác động của giá thế giới. Chín tháng đầu năm 2010, giá phân bón trên thị trường thế giới có một số biến động và chủ yếu bị chi phối của tình hình sản xuất nông nghiệp và chi phí nguyên liệu đầu vào. Quý I, giá phân bón có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng (giá u-rê từ mức khoảng 290 USD/tấn cuối năm 2009, tăng lên mức 300 USD/tấn). Từ quý II, do thời tiết bất lợi, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp một số nước lớn cho nên nhu cầu phân bón giảm, giá phân bón liên tục giảm (giá u-rê quý II khoảng 220 đến 260 USD/tấn FOB). Sang quý III, khi sản xuất nông nghiệp phục hồi sau thiên tai, giá nhiều loại nông sản tăng mạnh đã khuyến khích gia tăng sản xuất nông nghiệp làm tăng nhu cầu nhập phân bón, cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng, kéo giá phân bón tăng trở lại và đạt mức cao hơn các tháng đầu năm, hiện khoảng 330 đến 340 USD/tấn FOB. Trong nước, giá phân bón quý I khá cao do giá nhập khẩu cao và nhu cầu lớn cho vụ đông-xuân (giá u-rê 6.500 đến 7.200 đồng/kg; DAP 9.000 đến 12.000 đồng/kg). Sang quý II, giá phân bón giảm khoảng 300 đến 500 đồng/kg do giá thế giới giảm (u-rê 6.000 đến 6.800 đồng/kg), tiêu thụ chậm. Từ quý III, dù nhu cầu không tăng mạnh nhưng do giá thế giới tăng cho nên giá trong nước đã tăng từ 500 đến 1.000 đồng/kg (tùy loại và địa phương). Cuối tháng 9, giá u-rê 6.800 đến 7.200 đồng/kg; DAP có giá từ 11.000 đến 12.000 đồng/kg; ka-li 8.000 đến 11.000 đồng/kg.
Vấn đề đặt ra là, trong vụ đông, bắt đầu từ giữa tháng 10, giá phân bón trong nước sẽ ở mức nào. Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định, nguồn cung hiện có từ sản xuất trong nước và đã nhập khẩu không thiếu. Một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phân bón đang có hiện tượng kìm trữ lượng hàng đã nhập khẩu từ thời gian giá thấp để chờ bán giá cao trong vụ đông, lấy lý do vào thời điểm đó giá thế giới đã cao. Thậm chí xuất khẩu khi giá thế giới tăng nhanh hơn tăng giá trong nước, mang lại lợi nhuận tức thời cho DN nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm thiếu hụt nguồn cung cho sản xuất nông nghiệp trong nước, gây sốt giá.
Sớm ngăn chặn tình huống xấu có thể xảy ra, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón lớn trong nước báo cáo lượng hàng đang có, cả tồn kho và dự trữ lưu thông, tiến độ sản xuất và nhập khẩu, xuất khẩu thời gian tới để có biện pháp cân đối cung - cầu. Áp dụng Thông tư 122/TT-BTC yêu cầu DN kê khai giá, minh bạch các yếu tố hình thành giá để DN có lợi nhuận hợp lý, không tăng giá bất hợp lý. Phối hợp với hải quan kiểm định giá thực nhập từng lô hàng, từng thời điểm. Yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phân bón hoàn thiện hệ thống phân phối đúng quy định của pháp luật. Khi có dấu hiệu vi phạm Pháp lệnh Giá và các quy định về bình ổn giá, cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ. Cảnh báo sớm các biểu hiện liên kết làm giá, thao túng thị trường của một số "đại gia" ngành phân bón. Tạo điều kiện và phát huy vai trò bình ổn giá của DNNN trong lĩnh vực này./.
Yên Thi