Thời điểm này đang vào vụ đánh bắt hải sản chính trong năm của ngư dân các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, trước tình trạng giá xăng, dầu liên tục tăng, trong khi giá bán các loại thủy hải sản thấp nên nhiều chủ tàu cá của tỉnh phải tạm ngừng hoạt động, hạn chế ra khơi đánh bắt thủy sản.
Nhiều tàu cá “nằm bờ” tại khu neo đậu tàu thuyền Hà Lạn (Giao Thủy) vì giá xăng, dầu quá cao. |
Hiện nay, tỉnh ta có 2.136 tàu cá đang hoạt động, trong đó có 548 tàu có chiều dài dưới 6m, tàu có chiều dài từ 6m đến 12m là 698 chiếc, tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 362 tàu và tàu có chiều dài từ 15m trở lên 528 chiếc. Tổng số lao động trực tiếp trên biển là 6.197 người, trong đó vùng ven bờ 2.502 người, vùng lộng 1.052 người, vùng khơi 2.610 người và dịch vụ hậu cần 33 người. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện có khoảng một nửa số tàu cá tại các địa phương phải tạm ngừng hoạt động do giá xăng, dầu tăng cao. Tại khu neo đậu tàu, thuyền Hà Lạn (Giao Thủy), hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang "nằm bờ". Trao đổi với chúng tôi, chủ tàu cá NĐ-91012 TS Nguyễn Văn Định, ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cho biết: Tôi đã hành nghề khai thác hải sản hơn 20 năm, ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Tàu cá của tôi có công suất hơn 400CV. Trung bình mỗi chuyến vươn khơi từ 20 đến 25 ngày, tiêu tốn khoảng 2.000-2.500 lít dầu. Trước đây, bình quân chi phí nhiên liệu xăng, dầu cho mỗi chuyến khoảng 30-35 triệu đồng, nhưng nay giá xăng, dầu tăng khiến chi phí mỗi chuyến từ 65-75 triệu đồng. Trong chuyến biển vừa rồi, tàu của ông Định đánh bắt được hơn 2 tấn cá các loại. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm thủy hải sản giảm trong khi giá xăng, dầu tăng cao nên không đủ trả tiền cho người lao động. Theo ông Định, chi phí cho mỗi chuyến đi biển quá lớn, khiến việc ra khơi không hiệu quả, nhiều tàu cá phải nằm bờ dài ngày.
Còn ngư dân Hoàng Văn Tỵ ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) thì cho biết, qua hơn chục năm vươn khơi, bám biển sản xuất chưa bao giờ thấy khó khăn như thời điểm này. Tàu cá của gia đình ông có chiều dài hơn 14m, chuyên khai thác ở vùng bờ. Trước đây, mỗi chuyến đi về trong ngày, cả tiền xăng dầu, thuê thêm 2 lao động chi phí trên dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên từ hơn 2 tháng nay, giá xăng, dầu tăng cao khiến chi phí cho mỗi chuyến đi tăng thêm gấp đôi, 6,5-7 triệu đồng. Chi phí tăng nhưng sản lượng thủy sản khai thác không tăng, trong khi giá bán chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn trước nên lựa chọn duy nhất lúc này của ngư dân là nằm bờ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, với số lượng tàu, thuyền hiện nay của tỉnh, trung bình mỗi tháng hoạt động khai thác thủy sản tiêu thụ hàng chục triệu lít xăng dầu, trong khi giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng hơn gần 2 lần so với cuối năm 2021, đắt hơn 12 đến 14 nghìn đồng/lít dầu so với cuối năm 2021. Đã thế, theo bác Mai Quang Khải, ngư dân ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), việc mua xăng dầu của ngư dân cũng không được thực hiện theo giá niêm yết bởi phải mua qua các cơ sở, đơn vị làm dịch vụ hậu cần nghề cá nên lại tăng thêm vài giá. Chi phí nhiên liệu thường chiếm tới trên 60% chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các vật tư khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Hệ quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35-45%, trong khi giá bán sản phẩm đầu ra lại không tăng. Những khó khăn này dẫn tới 30-45% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng theo.
Chi phí dầu cao khiến nhiều ngư dân trong tỉnh không dám vươn khơi. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), số tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Trước những khó khăn này, Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Theo đó, thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá xăng, dầu tăng được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, tức khoảng 3-4,4 triệu đồng một người, trong vòng 6 tháng. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), mỗi năm nghề khai thác thủy sản đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 6.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác trên biển, chưa kể số lao động ngành dịch vụ thủy sản ven bờ. Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu trong nước trải qua 16 đợt điều chỉnh, trong đó dầu diesel có 13 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Giá xăng và dầu diesel đều đã tăng lên mức kỷ lục sau điều chỉnh vào ngày 21-6 vừa qua, lần lượt là 32.870 đồng/lít xăng RON 95-III và 30.010 đồng/ lít dầu diesel 0,005S-II. Trong các nghề vươn khơi thì nghề lưới vây và mành chụp hao tốn dầu nhiều nhất. Tính riêng tàu lưới vây, trước đây chi phí cho một chuyến biển khoảng 100 triệu đồng thì nay phải lên đến 150 triệu đồng. Nếu đánh bắt được khoảng 10 tấn hải sản thì mới chỉ hòa vốn. Điều này khiến nhiều chủ tàu không dám vươn khơi, bám biển sản xuất, vì lo thu không đủ bù chi, trong khi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi sản xuất trên biển.
Để giảm bớt những khó khăn trên, đông đảo bà con ngư dân rất mong muốn Nhà nước, Chính phủ chia sẻ, quan tâm trợ giá xăng, dầu cho ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất. Với trách nhiệm của mình, Sở NN và PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình khai thác thuỷ sản nhằm tăng sản lượng khai thác, giảm chi phí nhân công, nhiên liệu để tăng hiệu quả kinh tế. Tạo mọi điều kiện động viên ngư dân vươn khơi bám biển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại