Khi kinh tế số toàn cầu đang phát triển mạnh thì chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. CĐS không còn là tầm nhìn, mục tiêu dài hạn, mà đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu.
Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Nam Định ứng dụng công nghệ thông tin giải ngân nguồn vốn vay. |
Tại Công ty Điện lực Nam Định, đến thời điểm hiện nay, việc ứng dụng CNTT được áp dụng trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và vận hành lưới điện với các công cụ số hóa như: phần mềm quản lý văn phòng, phần mềm quản lý kỹ thuật, quản lý phiên làm việc, quản lý sự cố lưới điện, các công cụ kiểm soát thông số lưới điện từ xa, phần mềm quản lý kinh doanh, ghi chốt chỉ số từ xa góp phần không nhỏ tăng hiệu quả làm việc, đảm bảo an toàn lao động, cắt giảm chi phí vận hành. Đáng chú ý là Công ty đã: Đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa với 6 trạm biến áp 110kV được điều khiển xa không cần người trực và 2 trạm 110kV điều khiển xa có người giám sát; có 172 bộ máy cắt đường dây, 95 bộ cầu dao phụ tải đường dây trên hệ thống lưới điện trung thế được nối về Trung tâm Điều khiển xa thực hiện thao tác đóng cắt bằng hình thức điều khiển xa từ trung tâm. Công ty đang triển khai sử dụng phần mềm quản lý các máy biến áp, cập nhật đủ thông tin 100% số lượng máy biến áp trên chương trình phần mềm, trong đó 77,27% máy biến áp đã được gắn điểm đo xa (kiểm tra các thông số từ xa); đã triển khai ứng dụng tính toán tổn thất lưới điện trung thế, triển khai chương trình tự động hóa lưới điện trung áp. Bên cạnh đó, Công ty đang tập trung hoàn tất công tác chuẩn hóa số liệu trạm biến áp, chuẩn hóa thông tin khách hàng trên phần mềm CMIS và số hóa hợp đồng sinh hoạt; lắp đặt công tơ đo xa giúp thu thập các dữ liệu chỉ số công tơ và các thông số của công tơ điện. Nỗ lực CĐS của Công ty không chỉ giúp ngành Điện tỉnh gia tăng hiệu quả vận hành, hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng mà còn giúp khách hàng không mất thời gian đến các điểm giao dịch để thực hiện những yêu cầu về dịch vụ điện... Bên cạnh một số ít đơn vị đã CĐS mạnh mẽ, toàn diện như Công ty Điện lực Nam Định, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đã có sự bắt nhịp, chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong thực hiện lộ trình CĐS. Trong đó, điểm thuận lợi trong CĐS trong các doanh nghiệp của tỉnh ta là đã tích cực xây dựng công cụ, nền tảng số, bước đầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu của Sở TT và TT, hiện nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy tính kết nối mạng internet băng thông rộng qua ADSL hoặc cáp quang, sử dụng email để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên truy cập vào internet để tìm hiểu các chủ trương, chính sách mới, tìm kiếm đối tác, khai thác tốt các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp; tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu (www.xnknamdinh.gov.vn) của tỉnh và Cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.ttnn.com.vn) của Bộ Công Thương. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mai, khách sạn lớn đã chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ ATM, QRcode... Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập trang facebook, fanpage để giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm; có hơn 3.400 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã xây dựng trang website quảng bá doanh nghiệp, tổ chức và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Một số website có 2 ngôn ngữ, cung cấp các tiện ích như xác nhận đơn hàng qua email, SMS; lọc/tìm kiếm sản phẩm; hỗ trợ trực tuyến. Một số ít doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về CNTT, thương mại điện tử, bước đầu tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketing online, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn.
Cũng theo đánh giá của ngành TT và TT, hiện nay, việc CĐS trong doanh nghiệp có nhiều thuận lợi bởi bên cạnh mức độ sẵn sàng về hạ tầng, nguồn nhân lực từ phía các doanh nghiệp thì từ nhiều năm nay các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động trong phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử. Ngoài ra, các đơn vị cung ứng các công nghệ CĐS cũng rất tích cực phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Tập đoàn VNPT đã ký kết phối hợp với UBND tỉnh Nam Định triển khai các giải pháp CĐS tại địa phương; trong đó rất chú trọng hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và triển khai CĐS cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử hướng tới phát triển toàn diện nền kinh tế số. Hiện, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp CĐS theo Chương trình CĐS tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã xác định CĐS trong doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng về CĐS nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS. Đặc biệt nhấn mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ: CĐS là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, để CĐS thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào, còn thiếu gì; từ đó
sẽ trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu kinh doanh, quản lý cụ thể của doanh nghiệp. Đồng thời cũng nhấn mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp ưu tiên phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, ví dụ như hệ thống thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự... Các ngành tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, internet và không gian mạng. Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành các quy định để bảo đảm đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội để CĐS./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy