Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, diễn biến khó lường, đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó vừa phòng phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH Universal Candle Việt Nam (KCN Hòa Xá). |
Theo đồng chí Đỗ Thị Hương, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh: Ngay khi đợt dịch tái diễn tình trạng phức tạp, Ban Quản lý các KCN đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các buổi kiểm tra việc doanh nghiệp thực hiện công tác phòng chống sự lây lan của dịch tại nơi làm việc và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân, người lao động. Thực tế kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp và đại đa số người lao động đều đã nhận thức đúng và có ý thức cao trong tự giác chấp hành các quy định, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nắm bắt diễn biến của dịch bệnh và các kết quả đã đạt được trong phòng chống, kiểm soát dịch của tỉnh cũng như trên toàn quốc; thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc nơi làm việc, cấp phát miễn phí khẩu trang, nước uống cho người lao động; bắt buộc người lao động và người đến liên hệ làm việc phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế; duy trì việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người lao động; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát, cách ly người lao động nước ngoài, người đi qua vùng dịch theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế... Tuy nhiên, cũng còn có người lao động tại một số doanh nghiệp (Công ty TNHH Pim Vina, Chi nhánh Công ty CP May Sông Hồng, Công ty TNHH Youngone Nam Định, Công ty TNHH Universal Candle Việt Nam, Công ty CP TCE Vina Denim...) không đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, không thực hiện triệt để yêu cầu 5K của Bộ Y tế… Những trường hợp này đều được kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, dù chủ động nhận diện nguy cơ thiệt hại kinh tế nhưng các doanh nghiệp đều đánh giá tính hiệu quả trong nỗ lực kiểm soát dịch của Chính phủ, của tỉnh và khẳng định tiếp tục chia sẻ, ủng hộ các biện pháp điều hành của tỉnh nếu cần thiết phải thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Đồng thời, cam kết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đối với người lao động, duy trì việc thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN, các hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; chủ động phương án phòng, chống dịch phù hợp khi tiến hành sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Các chương trình, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ Nhà nước quy định, bao gồm: giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay vốn ngân hàng, giãn nộp bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, duy trì tình hình tài chính. Tác động tiêu cực của đại dịch đến các ngành nghề là khác nhau vì thế tỉnh cũng chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng cần ưu tiên việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động khắc phục ảnh hưởng của dịch một cách công bằng và hợp lý theo đúng quy định. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các khó khăn trực tiếp trước mắt như: Gián đoạn các chuỗi cung ứng và tiếp cận các thị trường quốc tế, thị trường nội địa bị thu nhỏ, lượng khách hàng nội địa sụt giảm; tác động tiêu cực khi vận hành doanh nghiệp với ít người hơn trong trường hợp phải giãn cách xã hội. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp phải chịu tác động thiệt hại nặng hơn, nhóm các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn. Điều này rất quan trọng, bởi thất nghiệp kéo dài và thị trường lao động trì trệ có thể bào mòn kỹ năng của người lao động, khiến những doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng càng khó có cơ hội trong tương lai. Sự chủ động hỗ trợ phòng chống dịch từ các chủ doanh nghiệp góp phần giúp người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất. Nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với quan hệ kinh doanh, hiện tại cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh đã gia tăng áp dụng các phương án dự trữ hàng hóa hoặc nguyên vật liệu, tiếp tục tìm kiếm các chuỗi cung ứng thay thế; nhiều doanh nghiệp còn tạm hoãn việc bố trí nguồn lực tài chính cho đầu tư cải tiến trang thiết bị máy móc và nhân sự. Một nhóm nhỏ doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và nhân lực đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người lao động để có thể làm việc từ xa và gia tăng các hoạt động thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phương pháp tiếp cận thị trường mới, khách hàng tiềm năng với mục tiêu đảm bảo người lao động không bị mất việc, doanh thu không bị lao dốc.
Sự tích cực hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng sự đồng thuận, chia sẻ cao từ phía doanh nghiệp, người lao động là giải pháp quan trọng góp phần giúp tỉnh thuận lợi trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy