Quan tâm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

07:04, 14/04/2021

Chuyển đổi số đang chuyển biến nhanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực về CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Giờ học của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Giờ học của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh; tổ chức kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT tại một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành lập, kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; liên kết, phối hợp với đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng của các tỉnh, thành phố nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng dưới sự điều phối của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT). 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có cán bộ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng dụng CNTT, kỹ năng ứng dụng CNTT và khai thác sử dụng các hạ tầng thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức thường xuyên nhằm đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng tại các cơ quan. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) cùng các sở, ngành liên quan phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn, tập huấn cho trên 6.300 lượt công chức, viên chức về sử dụng các phần mềm mã nguồn mở thông dụng (OpenOffice, ThunderBird, FireFox và Unikey hoặc các phần mềm nguồn mở khác) và an toàn thông tin. Qua đó góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức cấp xã. Theo thống kê của Sở TT và TT, hiện toàn tỉnh có 85 cán bộ chuyên trách về CNTT, 50 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin và 3.300 công chức, viên chức sử dụng các phần mềm mã nguồn mở thông dụng trong công việc ở các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 102 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động; 9.138 doanh nghiệp có kết nối internet băng rộng; 1.550 sinh viên được đào tạo chuyên ngành CNTT và truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT của tỉnh trong những năm qua cũng còn những hạn chế và khó khăn nhất định do tỉnh chưa có khu công nghiệp CNTT tập trung nên chưa có doanh nghiệp CNTT lớn về đầu tư; chưa có cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy và phát triển nguồn nhân lực CNTT; chưa có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT tại các trường có uy tín. Hiện tỉnh cũng đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đặc biệt là nhân lực lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Phần lớn nhân lực CNTT của tỉnh còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm... Các cơ quan chưa xây dựng vị trí việc làm chuyên trách đối với lĩnh vực CNTT trong đơn vị mình nên chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT mà chỉ làm việc kiêm nhiệm. Thu nhập bình quân trong lĩnh vực CNTT còn thấp, chưa tạo sức hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh làm việc; những doanh nghiệp cần tuyển nhân lực CNTT chất lượng cao khó tuyển dụng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần cứng, điện tử chủ yếu sử dụng lao động phổ thông nên ít gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động song ít góp phần phát triển nhân lực CNTT trên địa bàn. Trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng cũng như chất lượng đào tạo chưa tiệm cận được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện nay, chất lượng sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp từ một số trường đại học, cao đẳng của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên CNTT ra trường có nền tảng lý thuyết tốt tuy nhiên kỹ năng thực hành, năng lực tự tìm hiểu để có những đề xuất ứng dụng còn hạn chế; sức sáng tạo còn thấp để tiếp cận các ứng dụng của xu hướng công nghệ mới trên thế giới.

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT, thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng khu CNTT tập trung của tỉnh để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp CNTT tham gia đầu tư. Có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức hoặc liên kết tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường mối quan hệ, hợp tác

trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel) trên địa bàn tỉnh tăng cường, hỗ trợ nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng thuê nhân sự CNTT (hợp đồng vụ việc - theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương) trong giai đoạn chưa bố trí đủ nhân lực theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên cần kết hợp đào tạo nhân lực cho đơn vị theo cách “cầm tay chỉ việc” để nhanh chóng phát triển đội ngũ. Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT của tỉnh như: lồng ghép thực hiện theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; có chế độ đặc thù đối với đội ngũ công chức chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện tiếp nhận - bố trí vị trí công tác đối với các trường hợp có trình độ đào tạo sau đại học. Tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng CNTT. Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ để phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNTT; điều chỉnh chính sách tài chính hợp lý cho phát triển nguồn nhân lực CNTT. Rà soát, trang bị đầy đủ các thiết bị CNTT đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com