Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí điện tử không dừng

07:04, 14/04/2021

Việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.

Dán thẻ thu phí điện tử không dừng ETC cho phương tiện tại trạm BOT Mỹ Lộc.
Dán thẻ thu phí điện tử không dừng ETC cho phương tiện tại trạm BOT Mỹ Lộc.

Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, làm cơ sở để tiếp tục triển khai đồng bộ trong thời gian tới theo đúng quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương trên, ngày 10-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Thực hiện Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg và Chỉ thị số 39/CT-TTg, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải kiểm điểm, đôn đốc tiến độ triển khai thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại Trạm thu phí Mỹ Lộc thuộc dự án BOT Mỹ Lộc. Ông Trịnh Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định (từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc) được UBND tỉnh giao Công ty Cổ phần TASCO là nhà đầu tư, Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 là doanh nghiệp dự án. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 9-2012. Dự án thành phần Trạm thu phí Mỹ Lộc mới được triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 1-2014. Quy mô Trạm bao gồm 10 làn thu phí; trong đó trên tuyến chính có 6 làn tiêu chuẩn và 2 làn dành cho xe quá khổ; trên tuyến nhánh có 2 làn tiêu chuẩn. Hệ thống thiết bị thu phí được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn thu phí một dừng (MTC) cho toàn bộ các làn. Năm 2016, Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 đã tổ chức cải tạo hạ tầng và lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng (ETC) cho 2 làn trên tuyến chính (mỗi chiều lắp 1 dàn ETC sát dải phân cách giữa). Thiết bị ETC lắp đặt tại Trạm Thu phí Mỹ Lộc có tổng mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ đồng, chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2016. Để thực hiện việc thu phí ETC minh bạch, hiệu quả, Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 đã ký hợp đồng dịch vụ thu phí với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC; áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện. Thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu. Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử và đã khẳng định được vị thế số 1 trong thu phí tự động. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã đôn đốc Công ty Cổ phần TASCO và Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các hạng mục triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng ETC cho 4 làn gồm 2 làn trên tuyến chính; 2 làn trên tuyến nhánh với tổng mức đầu tư khoảng 22,2 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Đến đầu năm 2020, Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 đã triển khai cải tạo hạ tầng Trạm thu phí phục vụ việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng ETC với các hạng mục: lắp đặt giá long môn, nối dài đảo phân làn giao thông… với tổng mức đầu tư khoảng 3,6 tỷ đồng; phấn đấu đưa vào sử dụng trong tháng 5-2021.   

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, so với hình thức thu phí truyền thống MTC, công nghệ thu phí tự động không dừng ETC có ưu điểm nổi trội trên các lĩnh vực: tránh thất thoát (phí được kiểm soát bởi 3 bên gồm: nhà đầu tư, ngân hàng, đơn vị thu phí ETC; trước đó chỉ có nhà đầu tư thực hiện dự án là doanh nghiệp BOT và ngân hàng); tiết kiệm chi phí xây dựng trạm (công nghệ ETC không cần phải xây trạm rộng lớn, đầy đủ tiện nghi); tiết kiệm nhân sự trạm thu phí (không cần hàng chục người vận hành 24/24 giờ); tiết kiệm chi phí in vé giấy (không phải in vé, biên lai thu tiền mặt); giảm ùn tắc (xe không phải dừng và xếp hàng chờ mua vé, trả tiền); giảm ô nhiễm (xe không phải dừng, tăng tốc khi qua trạm); giảm tai nạn (xe không phải dừng đột ngột, dẫn đến các xe phía sau có thể bị dồn toa); giảm dùng tiền mặt (lái xe không cần phải trữ tiền mặt)... Vì thế, để thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư (Công ty Cổ phần TASCO) và Công ty TNHH một thành viên TASCO 6 khẩn trương lắp đặt hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng thiết bị hệ thống thu phí ETC giai đoạn 2 theo đúng kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Sở Giao thông Vận tải để trình UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết./.

Bài và ảnh: Thành Trung


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com