Năm 2020, mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 song công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, tăng cả về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư trên địa bàn đánh giá cao hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh, từ sự chủ động kêu gọi, đón tiếp đến tận tâm đồng hành cùng nhà đầu tư; tạo đột phá quan trọng trong thiết lập cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng xác định đây là những yếu tố tạo sức hút mới đối với các nhà đầu tư và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thiết lập trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Viết Dư |
Thiện cảm từ phía nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông cho biết: Trong quá trình hợp tác, Tập đoàn nhận thấy, so với trước đây, các cấp chính quyền, ngành chức năng ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh Nam Định đã nhất quán tư tưởng, đổi mới phương pháp thu hút đầu tư. Thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm về, lựa chọn địa điểm thì nay tỉnh đã chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch, hạ tầng các KCN đầu tư đồng bộ, đạt quy chuẩn để cung ứng cho các nhà đầu tư. Trong quá trình hoạt động đầu tư tại địa phương, tập đoàn Địa ốc Cát Tường luôn nhận được sự tận tâm đồng hành cùng nhà đầu tư từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng. Tỉnh đã nỗ lực cung ứng mặt bằng sạch, hỗ trợ hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng giúp Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa hạ tầng KCN vào cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tạo điều kiện tối đa để các đối tác nước ngoài của Tập đoàn kết nối với Trung ương giải quyết thuận lợi thủ tục nhiều đợt xuất nhập cảnh cũng như các hoạt động tiếp cận, xúc tiến đầu tư của các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài. Động thái này đã tạo “điểm cộng” cho tỉnh đối với các nhà đầu tư. Công ty TNHH Top Textile Việt Nam (nhà đầu tư Hồng Kông liên kết với tập đoàn kinh tế đa ngành Nhật Bản) và Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam (nhà đầu tư Đài Loan) quyết định trở thành 2 nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông xây dựng các dự án dệt, nhuộm công nghệ cao với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD. Anh Nguyễn Tất Bình, đại diện Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam cho biết: là doanh nghiệp nước ngoài vì vậy đội ngũ cán bộ chủ chốt của Công ty không thể nắm bắt thông thạo các quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công dự án xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm, Công ty luôn được chính quyền địa phương đồng hành hỗ trợ sát sao, tháo gỡ mọi vướng mắc. Vững tin vào sự lành mạnh của môi trường đầu tư nên Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại CCN Thịnh Lâm; đồng thời quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 của dự án xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm để cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Nỗ lực tạo lập sức hút mới
Bên cạnh những đánh giá, góc nhìn thực tế của các doanh nghiệp còn có thể kể ra các điểm nhấn tạo sức thu hút mới đối với nhà đầu tư của tỉnh ta. Tỉnh đã tích cực triển khai công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định làm cơ sở thu hút đầu tư; trong đó có các quy hoạch lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung Khu kinh tế Ninh Cơ vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam; bổ sung quy hoạch KCN Hồng Tiến và mở rộng KCN Bảo Minh. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Để đáp ứng quỹ đất công nghiệp cho các nhà đầu tư, ngoài 3 KCN, 19 CCN đã đi vào hoạt động, hiện nay tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục, triển khai mở rộng, đầu tư xây dựng mới hàng loạt khu, CCN: đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Thuận với diện tích 163ha; mở rộng KCN Bảo Minh với diện tích 50ha; triển khai đầu tư KCN đô thị, dịch vụ Hồng Tiến với diện tích khoảng 150ha; tập trung tháo gỡ vướng mắc, đưa vào hoạt động KCN Mỹ Trung với diện tích 150ha. Đáng chú ý, một số dự án giao thông trọng điểm kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, tháo gỡ khắc phục những “điểm nghẽn” về giao thông, địa thế của các địa phương ven biển của tỉnh đã được triển khai đầu tư xây dựng như: các công trình cầu Thịnh Long, tuyến đường trục nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh...
Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh). Ảnh: Thanh Thúy |
Sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, với tốc độ tăng trưởng khá; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện trong thời gian qua cũng cho doanh nghiệp thấy cơ hội đầu tư tại Nam Định. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng trong các năm vừa qua và đã hình thành khá rõ nét 3 vùng kinh tế gồm: Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế biển và Trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố Nam Định. Nhà đầu tư cũng nhìn thấy sự quyết liệt, đúng đắn của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Nam Định là 1 trong 3 tỉnh, thành phố trên cả nước có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cao nhất; các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 của tỉnh đều tăng bậc so với năm 2018. Những nỗ lực này đã tạo dựng được uy tín và củng cố lòng tin về sự đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để gia tăng sức thu hút đối với nhà đầu tư, tại cuộc họp giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhất quán chủ trương tích cực đón đầu, nắm bắt nhu cầu, xác định trước để chủ động đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Tập trung chuẩn bị đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc và chú trọng chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các KCN, để sẵn sàng đón nhu cầu của nhà đầu tư. Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và tổ chức các hội nghị gặp mặt, trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng tiếp cận sâu, theo ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh (ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có số thu ngân sách lớn) để tiếp nhận và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp. Đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ chính quyền cấp tỉnh đến cấp xã, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất sớm nhất các thủ tục, nhất là các thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư lớn đang quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn AEON... Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao và các doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định tại Nam Định. Chủ động quảng bá để các nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ thông tin về tỉnh từ các nguồn lực vật chất đến chất lượng phục vụ của nền hành chính trên tinh thần phụng sự vì sự phát triển chung./.
Thanh Thúy