Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 9-5-2019 của UBND tỉnh, hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đã từng bước được củng cố, hoàn thiện và phát triển vững chắc, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tại chỗ ở các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng tạo nên sự ổn định và an toàn trong hoạt động của hệ thống quỹ TDND là sự sát sao chỉ đạo của chính quyền địa phương với sự tham mưu của Chi nhánh NHNN tỉnh trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý hệ thống Quỹ TDND và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể theo đúng tinh thần Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Gia đình ông Vũ Văn Cát ở xóm 2, xã Trực Thắng (Trực Ninh) phát triển sản xuất chậu cảnh, đem lại thu nhập khá. |
Thực hiện Chỉ thị 06/CT-UBND tỉnh, hàng quý, Chi nhánh NHNN tỉnh đều tổ chức các cuộc họp sơ kết với các quỹ TDND để đánh giá kết quả đạt được thời gian qua, đề ra phương hướng hoạt động kế tiếp; nhắc nhở các hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, điều hành, trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Mặt khác, Chi nhánh NHNN tỉnh còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho hệ thống quỹ TDND từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu điều hành, quản lý hoạt động. Năm 2020, Chi nhánh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 600 lượt cán bộ quỹ TDND về nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật về tài chính tín dụng. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quỹ TDND luôn được chú trọng nhằm phát hiện các sai phạm, thiếu sót trong hoạt động, qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đảm bảo hệ thống quỹ TDND hoạt động an toàn, bền vững. Hàng năm, Thanh tra NHNN đều tổ chức kiểm tra, thanh tra tối thiểu 50% quỹ TDND trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đôn đốc, thanh tra, giám sát từ xa các quỹ TDND, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thường xuyên về việc thực hiện Đề án, phương án củng cố hoàn thiện quỹ TDND đã được Chi nhánh NHNN tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh công tác chỉ đạo sát sao của Chi nhánh NHNN tỉnh, Chỉ thị 06 cũng góp phần tăng cường mối liên kết phối hợp và chủ động của các đơn vị liên quan, như Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động của Quỹ TDND, duy trì an ninh trật tự trên địa bàn, hỗ trợ thu hồi vốn và tài sản của Quỹ TDND theo luật định. Tăng cường phối hợp của UBND các huyện, phường, xã cùng Chi nhánh NHNN tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ TDND đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN phê duyệt, kịp thời xử lý các quỹ TDND yếu kém, cán bộ quỹ vi phạm pháp luật và các vấn đề nảy sinh trong quá trình củng cố, chấn chỉnh để giúp các quỹ yếu kém khắc phục khó khăn tồn tại. UBND các cấp huyện, xã cũng vào cuộc tăng cưởng chủ động tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân khi có vấn đề, đấu tranh với các thông tin sai lệch gây tâm lý hoang mang ảnh hưởng đến an toàn hoạt động hệ thống.
Từ vốn vay của Quỹ TDND Xuân Tiến (Xuân Trường), anh Đinh Viết Trinh ở xóm 7 đầu tư đổi mới công nghệ lò đúc điện, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Đến nay, toàn tỉnh có 42 Quỹ TDND hoạt động trên địa bàn 9 huyện và thành phố Nam Định với tổng số 34.444 thành viên, tăng 2.079 thành viên so với năm 2019. Đến hết tháng 12-2020, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống Quỹ TDND đạt 4.097 tỷ đồng, tăng 19,8% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay của các Quỹ TDND đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Nợ xấu là 20,262 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,55% tổng dư nợ. Hầu hết các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hiệu quả, an toàn, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời nhu cầu vốn đầu tư của người dân tại địa phương. Từ nguồn vốn của Quỹ TDND, các thành viên trong Quỹ đã hỗ trợ nhau đắc lực trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giá trị cao, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.
Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 06; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, có biện pháp quản lý, phân loại quy mô quỹ, nhằm đảm bảo các quỹ hoạt động đúng bản chất của mô hình, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của thành viên, nhằm hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Về quy mô hoạt động, cần đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay gắn với tập trung củng cố chất lượng tín dụng; tăng cường công tác đào tạo, phát triển và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của quỹ. Đẩy mạnh phối hợp công tác thông tin tuyên truyền để việc thực hiện Chỉ thị 06 đạt kết quả cao. Nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị tại các quyết định, kết luận qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Thường xuyên tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đoàn thể trên địa bàn hoạt động. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về thông tin báo cáo, gửi đúng thời hạn, đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng thông tin./.
Bài và ảnh: Đức Toàn