Tình trạng các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên, giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đã được tỉnh quan tâm xử lý trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bất cập này vẫn tồn tại, phát sinh, trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, buộc các ngành, các địa phương phải áp dụng các động thái quyết liệt.
Cán bộ Trung tâm “một cửa” huyện Giao Thủy nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai trong khâu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Cuối tháng 11-2020, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã kiểm tra theo kiến nghị của cử tri huyện Ý Yên về tình trạng 6 năm Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định không đưa diện tích đất được phê duyệt đầu tư nhà máy may tại xã Yên Bình vào khai thác. Kiểm tra thực tế cho thấy, ban đầu UBND xã Yên Bình cho Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định thuê lại đất trụ sở cũ của UBND xã với thời hạn 5 năm để xây dựng nhà máy may. Nhưng Tổng Công ty vi phạm hợp đồng, tự ý san lấp công trình nên đã bị đình chỉ thi công. Sau đó Tổng Công ty có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận, cho lập dự án xây dựng nhà máy may tại xã Yên Bình. UBND tỉnh cũng đồng ý cho UBND xã Yên Bình được thanh lý tài sản, vật kiến trúc thuộc trụ sở cũ của UBND xã để giải phóng mặt bằng cho Tổng Công ty thực hiện dự án đầu tư. UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi trên 7.300m2 để bàn giao đất cho Công ty thuê đất với thời hạn 50 năm để thực hiện dự án. Từ năm 2014, Tổng Công ty đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Cụ thể đã thi công 2.100m2 nhà xưởng chính, 90m2 nhà xe công nhân, 70m2 nhà vệ sinh, hệ thống đường giao thông nội bộ đã hoàn thiện xong lượt 1 lớp móng đường, thoát nước hạ tầng, nhà bảo vệ và trạm điện. Tuy nhiên 6 năm qua, Tổng Công ty đã bỏ hoang công trình, không thực hiện được cam kết tuyển dụng công nhân là lao động địa phương. Nguyên nhân được Tổng Công ty đưa ra bao gồm: khó tuyển lao động địa phương, vị trí nhà máy không thuận lợi, khó khăn về đơn hàng với đối tác. Đến nay, Tổng Công ty không còn nhu cầu sử dụng đất, đang có hướng chuyển nhượng cho đơn vị khác nhưng còn vướng mắc do chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, ký quỹ. Tại huyện Xuân Trường cũng phát sinh các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng. Cụ thể như Công ty TNHH sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi Tiến Đạt được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, kinh doanh nông sản, buôn bán thiết bị máy nông nghiệp tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) theo Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 11-4-2014. Ngày 18-10-2018 UBND tỉnh có Quyết định số 2300/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và kinh doanh nông sản, buôn bán thiết bị máy nông nghiệp tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Theo nội dung Quyết định số 2300 tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động là 18 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa. Ngày 8-3-2019 Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao đất tại thực địa để Công ty TNHH sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi Tiến Đạt tiến hành xây dựng các hạng mục. Tuy nhiên kể từ khi được bàn giao đất đến nay Công ty mới tiến hành san lấp mặt bằng, chưa xây dựng các hạng mục công trình theo dự án đầu tư đã được phê duyệt; toàn bộ diện tích đất đã được thuê hiện Công ty chưa sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh. Hộ ông Trần Gia Diện xóm 7, xã Thọ Nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh đồ cơ khí và sản phẩm đồ gỗ tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường tại Quyết định số 651/QĐ-UBND ngày 28-3-2018. Ngày 12-11-2018, UBND huyện Xuân Trường đã có Quyết định số 5494/QĐ-UBND cho hộ ông Trần Gia Diện được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh đồ cơ khí và sản phẩm đồ gỗ tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Ngày 19-2-2019 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuân Trường và UBND xã Thọ Nghiệp đã tiến hành bàn giao diện tích đất thuê cho hộ ông Trần Gia Diện. Tuy nhiên dự án thực hiện chậm tiến độ, không hoàn thành các hạng mục công trình dự án đúng thời gian cam kết. Đến nay, hộ ông Trần Gia Diện mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng trên toàn bộ diện tích đất thuê và mới sử dụng được một phần diện tích đất xây dựng cửa hàng kinh doanh đồ cơ khí. Tại thành phố Nam Định, người dân đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thanh tra, xử lý và cương quyết thu hồi đất đối với 35 đơn vị, 1 cá nhân được giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả, nợ đọng thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai mục đích… gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình trạng kể trên, về quan điểm tỉnh chủ trương đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, phối hợp với các chủ dự án để xác định hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo hướng ưu tiên hỗ trợ tối đa tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời kiên quyết xử lý, thu hồi các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng không khắc phục các tồn tại. Thống nhất quan điểm chung, ngày 23-10-2020, UBND tỉnh đã có văn bản số 133/UBND-VP2 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND thành phố Nam Định kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 12-2020. Ngay trong buổi kiểm tra thực tế dự án xây dựng nhà máy may tại xã Yên Bình của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các cấp chính quyền của tỉnh thực hiện theo 2 phương án: Nếu tiếp tục đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục theo quy định sau đó mới đủ điều kiện chuyển nhượng cho đơn vị khác. Phương án 2, nếu không tiếp tục đầu tư phải bàn giao đất cho tỉnh quản lý và thực hiện các thủ tục thanh lý tài sản, không để gây bức xúc cho nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín của Tổng Công ty. Đối với trường hợp của Công ty TNHH sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi Tiến Đạt, UBND huyện Xuân Trường đã yêu cầu Công ty chấp hành các quy định của pháp luật về việc sử dụng diện tích đất thuê để sản xuất kinh doanh. Do đã quá 18 tháng kể từ ngày được bàn giao đất nên theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư và hồ sơ trình thuê đất thì Công ty phải làm thủ tục trình đề nghị UBND tỉnh gia hạn thực hiện dự án. Trường hợp Công ty chưa sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư mà không có văn bản của UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án thì UBND huyện sẽ trình UBND tỉnh xem xét thu hồi lại diện tích đất đã thuê. Đối với trường hợp hộ ông Trần Gia Diện, UBND huyện Xuân Trường yêu cầu ông Diện có trách nhiệm báo cáo giải trình với UBND huyện, UBND xã Thọ Nghiệp về việc không thực hiện đúng tiến độ dự án theo hồ sơ đã cam kết; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở sản xuất trên diện tích đất được thuê. Nếu gia đình ông Diện không có nhu cầu hoặc không có khả năng thực hiện dự án thì báo cáo để UBND huyện thực hiện thủ tục thu hồi đất đai theo quy định của pháp luật. Sau khi trực tiếp làm việc, đưa ra phương án xử lý với các chủ đầu tư, hiện các địa phương, các đơn vị chức năng liên quan đang tăng cường phối hợp với tinh thần đồng hành, hỗ trợ các chủ dự án chấp hành các quy định pháp luật trong khắc phục vướng mắc; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nhằm giải quyết bức xúc dư luận, không để lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy