Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định 33) ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2 của Quyết định 167/2008/QĐ-TTg), tỉnh ta đã phê duyệt Đề án với 1.761 hộ đăng ký vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh để sửa chữa, cải tạo nhà ở. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thực hiện giải ngân được cho 376 hộ (bằng 21%) với dư nợ hơn 9 tỷ đồng, đặt ra yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu Đề án đã đặt ra.
Từ nguồn vốn vay chương trình nhà ở theo Quyết định 33, gia đình anh Hoàng Văn Việt ở xóm 11, xã Nghĩa An (Nam Trực) đã xây dựng được căn nhà mới vững chãi, ổn định cuộc sống. |
Đồng chí Đoàn Thị Tâm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực chia sẻ: “Thực hiện Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi của chương trình đến từng địa phương, từng thôn, xóm; kêu gọi các cấp chính quyền, địa phương, người dân, gia đình cùng vào cuộc chung tay hỗ trợ hộ nghèo sớm ổn định về nhà ở. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 58 hộ đã được vay vốn sửa chữa, xây mới nhà ở theo Quyết định 33; trong đó, có 56 hộ còn dư nợ tại ngân hàng với tổng dư nợ là 1 tỷ 390 triệu đồng (30 hộ vay sửa chữa nhà ở, 26 hộ vay xây mới). Như vậy, toàn huyện vẫn còn 270 hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trong danh sách được hỗ trợ nhưng chưa tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi”. Chúng tôi đến gia đình anh Hoàng Văn Việt thuộc diện hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở tại xóm 11, xã Nghĩa An. Anh Việt cho biết: “Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, 2 vợ chồng đều là lao động tự do, lại có 1 cháu bị bệnh não bẩm sinh, thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình hết sức eo hẹp. Gia đình cũng chưa có nhà riêng để ở, phải ở tạm căn nhà cấp 4 đã xuống cấp cùng bố mẹ”. Được phổ biến về Quyết định 33 hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, gia đình anh đã đăng ký vay 25 triệu đồng trong 15 năm để làm nhà ở vào tháng 9-2016. Số tiền tuy không nhiều nhưng giúp gia đình anh không phải lo lắng vay mượn ở bên ngoài hoặc lo áp lực trả nợ gốc và lãi vì thời hạn cho vay dài. Đến nay, gia đình anh Việt đã có căn nhà mái bằng rộng hơn 50m2, điều kiện sinh hoạt bớt khó khăn hơn so với trước đây. Từ nguồn vốn của Quyết định 33, gia đình chị Lương Thị Minh ở xóm 6 cũng đã có căn nhà mái bằng đảm bảo “3 cứng”. Trước đây, gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo, sống trong ngôi nhà cấp 4 và hư hỏng khá nhiều, thường xuyên phải chịu cảnh “mưa tạt, gió lùa”. Nhờ Quyết định 33, anh chị được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện; cộng với số tiền tiết kiệm dành dụm được, anh chị đã xây được căn nhà với diện tích khoảng 50m2 với nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Chị Minh cho biết: “Trước đây, nhà tạm bợ nên mỗi khi mưa gió, tôi rất lo lắng các con ở nhà một mình sẽ gặp rủi ro. Nhờ số tiền vay, gia đình có căn nhà kiên cố hơn để ở nên tôi rất mừng”. Tại xã Nghĩa An, hiện có 7/29 hộ thuộc Đề án đã được tiếp cận với chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 33. Theo đại diện Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực, qua quá trình triển khai chương trình thực tế tại địa phương cho thấy việc thực hiện Quyết định 33 phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với mức vay ưu đãi chỉ 25 triệu đồng/hộ thì đối tượng đặc biệt khó khăn như người già, neo đơn, hộ khó khăn về kinh tế (không có vốn tích lũy)... sẽ không có nguồn kinh phí đối ứng để góp cùng vốn vay xây nhà đạt chuẩn theo yêu cầu “3 cứng” và cũng không có khả năng trả nợ vay. Bên cạnh đó, có không ít hộ dân còn nặng tâm lý trông chờ nguồn hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương, mạnh thường quân. Chính nguyên nhân này mà không ít hộ đủ điều kiện tham gia chương trình nhưng không đăng ký nhu cầu vay vốn. Một số hộ có tên trong danh sách phê duyệt ban đầu nhưng nay đã thoát nghèo, không thuộc diện được hỗ trợ nữa hoặc đã mất. Ngoài ra, tiền vật tư xây dựng từ năm 2016 đến nay đã tăng hơn, đẩy chi phí xây dựng cao hơn nhiều so với trước khiến cho nhiều gia đình không đủ khả năng, kinh phí để xây nhà. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong việc giải ngân vốn vay ưu đãi hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 33. Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ trong Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt là 1.761 hộ và theo lộ trình thực hiện, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 100% các hộ đủ điều kiện, và nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, đến ngày 31-8-2020, tổng dư nợ của chương trình mới đạt là 9 tỷ 357 triệu đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp, số hộ còn dư nợ ít như: Vụ Bản (42/257 hộ); Hải Hậu (56/291 hộ); Giao Thuỷ (39/180 hộ); Nghĩa Hưng (49/178 hộ)…
Gần 5 năm qua, có thể khẳng định chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33 ở tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định, đáp ứng tốt yêu cầu về vốn để cải thiện điều kiện nhà ở của người dân. Thông qua nguồn vốn vay và sự vươn lên của các hộ nghèo trong việc xóa nhà tạm, dột nát, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã “thay da đổi thịt”, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở trong thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Quan trọng hơn cả là giúp hộ nghèo vùng nông thôn có nhà ở an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 33, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại nhu cầu vay vốn của người dân và giải ngân ngay khi có nhu cầu. Tổng hợp kiến nghị đến Ngân hàng CSXH Việt Nam nâng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo đảm bảo phù hợp với nhu cầu kinh phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện nay. Đối với các hộ được hỗ trợ từ nhà tài trợ đã xây dựng nhà xong bảo đảm “3 cứng” nhưng chưa hoàn thiện, cần được xem xét hỗ trợ vay theo Quyết định 33 để giúp người dân cải tạo nhà ở, ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Đức Toàn