Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Trực Ninh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giai đoạn 2020-2025 góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn.
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông dân xã Trực Hùng đã đưa máy vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm công lao động nặng nhọc và tăng giá trị thu nhập từ đồng ruộng. |
Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2015-2020, Huyện ủy Trực Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trên địa bàn huyện căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị bám sát các mục tiêu nhiệm vụ chung để xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện về tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Tổ chức công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch vùng huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện tại trụ sở các xã, thị trấn, trên Cổng thông tin điện tử của huyện để các tổ chức, cá nhân biết, đầu tư sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng huyện, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện và tiềm năng đất đai, lợi thế của từng vùng, các xã, thị trấn đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, kế hoạch chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao 4.500ha, chiếm 60% diện tích gieo cấy của huyện; vùng lúa đặc sản 2.200ha, tập trung ở các xã, thị trấn Việt Hùng, Trực Tuấn, Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Nội, Trực Hưng, Cát Thành; vùng sản xuất giống lúa 305ha tại các xã, thị trấn miền 4; vùng trồng rau, củ, quả sạch, an toàn diện tích 60ha tại xã Trực Hùng, Trực Chính; vùng trồng hoa cây cảnh 60ha tại thị trấn Cổ Lễ, xã Trực Thắng; vùng chăn nuôi trang trại tập trung 32ha tại các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Trực Thanh; vùng trang trại tổng hợp 70ha tại các xã Trực Tuấn, Trực Đạo, Trực Nội, Trực Thuận, Trực Hùng, Trực Phú, Trực Thái; vùng nuôi trồng thủy sản 187ha tại các xã Trực Chính, Trung Đông, Phương Định, Liêm Hải, Việt Hùng, Trực Đạo, Trực Khang, Trực Thuận. Hiện nay một số vùng đã đi vào sản xuất và đem lại giá trị kinh tế cao, như: Vùng trồng hoa, cây cảnh ở thị trấn Cổ Lễ, vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Trực Chính, Trực Khang; vùng trồng rau sạch tại xã Trực Hùng; vùng trồng lúa giống tập trung ở các xã, thị trấn miền 4; vùng trồng lúa đặc sản ở các xã miền 2, miền 3… Phát triển sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập trung sử dụng các giống chất lượng cao, giống đặc sản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hình thành các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn; một số chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người nông dân. Cơ giới hóa các khâu sản xuất được mở rộng, nhất là khâu gieo trồng và thu hoạch, đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác hàng năm. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác từ 105,74 triệu đồng năm 2015 lên trên 109,71 triệu đồng năm 2019; góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM, làm chuyển biến cơ bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Trực Ninh xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững. Theo đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2020-2025 đạt 2,6%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng nông sản hàng hóa chủ lực được bao tiêu sản phẩm đạt 30%; có 50% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2-3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu… Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tập trung phát triển sản xuất nông sản hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tập trung các sản phẩm chủ lực: lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa đặc sản; rau quả sạch, rau hữu cơ, rau an toàn. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho một số nông sản chủ lực, đặc sản của huyện. Chuyển mạnh sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo vùng quy hoạch, xa khu dân cư; giảm tỉ lệ, tiến tới chấm dứt chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Phát triển các đối tượng nuôi thủy sản có lợi thế so sánh của từng địa phương như các loại cá truyền thống, cá đặc sản theo hướng hàng hóa. Mở rộng diện tích nuôi trồng ở các vùng quy hoạch. Tiếp tục đầu tư, tu bổ cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tập trung để áp dụng quy trình nuôi thâm canh, bán thâm canh, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường.
Đồng chí Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Huyện chú trọng tổ chức sản xuất và quản lý tốt các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa các sản phẩm chủ lực của huyện. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch chăn nuôi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư xây dựng trang trại. Từng bước xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục khảo nghiệm, tuyển chọn và bổ sung vào bộ giống cây trồng, con nuôi chủ lực của huyện có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cơ giới hóa các khâu sản xuất, như: Quy trình thâm canh cải tiến SRI, quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn, quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, trồng thủy canh, tưới nhỏ giọt, công nghệ chăn nuôi chuồng kín, không mùi, công nghệ xử lý chất thải, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất… Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; hướng dẫn giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả; thành lập mới các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp chuyên ngành. Thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thuê gom, tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất các vùng sản xuất, gồm: đường giao thông nội đồng, đường điện, trạm bơm, cống đập điều tiết để chủ động tưới tiêu, áp dụng cơ giới./.
Bài và ảnh: Văn Đại