Giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,5 tỷ USD (tăng 8 lần so với nhiệm kỳ trước); trong đó từ năm 2016 đến nay có 44 dự án ĐTNN, số vốn đăng ký 769,7 triệu USD, vốn thực hiện 520,1 triệu USD, đạt 67,5% vốn đăng ký. ĐTNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao vị thế của tỉnh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, tỉnh chưa thu hút được các nhà ĐTNN có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường; chủ yếu mới tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển… Bên cạnh đó, với việc ngày càng nhiều các Hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định thương mại tự do được ký kết, xu hướng ĐTNN vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong khi tình hình quốc tế có sự phát triển nhanh của các hiệp định bảo hộ đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đa dạng kéo theo sự gia tăng các tranh chấp đầu tư quốc tế. Bối cảnh đó đặt ra cho tỉnh yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ĐTNN và phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nam Định - Mỹ Lộc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. |
Theo đó, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương ban hành Kế hoạch số 75 ngày 17-8-2020 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 gắn bảo vệ môi trường và linh hoạt thích ứng với những thay đổi cũng như những xu thế mới về hợp tác ĐTNN. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và từng bước triển khai phương án nâng cao hiệu quả chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN; trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ: hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ĐTNN; đề cao trách nhiệm, vai trò, hợp tác của nhà đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Để hoàn thiện thể chế, chính sách chung, Sở KH và ĐT đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp, Ban quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, hệ thống hóa toàn bộ các quy định, cơ chế, chính sách thu hút, quản lý nguồn vốn ĐTNN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ chú trọng rà soát thực tế để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận gây xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước, ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ĐTNN, các sở, ngành, địa phương xác định tăng cường giám sát hoạt động ĐTNN bằng các biện pháp: thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án, doanh nghiệp có vốn ĐTNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng” của người nước ngoài trên địa bàn; chủ động phòng tránh không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế; bảo đảm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đầu tư.
Để đề cao trách nhiệm, vai trò, hợp tác của nhà ĐTNN, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh đều quyết tâm sẽ quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường ngay từ khi thực hiện thủ tục đầu tư; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không cho phép các dự án được triển khai hoạt động tại các khu, CCN khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung theo quy định; chủ động có biện pháp, giám sát, khuyến khích nhà đầu tư chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng, kịp thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm; từng bước xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Sở LĐ-TB và XH sẽ chủ trì, tăng cường phối hợp với LĐLĐ tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát nhà đầu tư trong việc thực hiện quy định về lao động, việc làm và tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng minh bạch, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, tuân thủ Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tuân thủ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia ký kết.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, Sở KH và ĐT đã ứng dụng Phần mềm Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN của Bộ KH và ĐT tại địa chỉ: https://dautunuocngoai.gov.vn giúp nhà ĐTNN có quyền thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại một đầu mối là cơ quan đăng ký đầu tư, tạo thuận lợi, giảm bớt việc đi lại cho nhà ĐTNN trong quá trình thực hiện các thủ tục tại cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh để thu hút ĐTNN và xây dựng các tiêu chí về đầu tư (về suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, quốc tế) để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với tiêu chí hợp tác đầu tư mới, tiếp tục duy trì các thị trường, đối tác truyền thống và chú trọng thu hút các địa bàn trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu… Các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thị trường; tăng cường cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhà ĐTNN, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện. Theo đồng chí Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay Sở tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về quản trị doanh nghiệp, maketing, đàm phán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ, trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư và định hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy