Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo nguồn lực tại chỗ để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, huyện Xuân Trường đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 5-6-2019 của UBND tỉnh, UBND huyện Xuân Trường đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM huyện, Phòng NN và PTNT chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai toàn diện các nội dung phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) và các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ, bao gồm: Nhóm sản phẩm thực phẩm, dược liệu; hàng lưu niệm, nội thất, trang trí và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho các cán bộ, lãnh đạo phụ trách công tác NTM các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan của huyện về bước đi, cách làm và nội dung trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, từ đó truyền tải đến các đối tượng trực tiếp tham gia chương trình tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn. Huyện thành lập tổ công tác trực tiếp đến các cơ sở có sản phẩm đăng ký tham gia để tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm, thiết lập hồ sơ sản phẩm bảo đảm yêu cầu của Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tại Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 24-4-2019; Ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 26-6-2020 về việc tăng cường triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn huyện. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay huyện đã có 10 sản phẩm của 3 HTX và doanh nghiệp gồm: HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa; HTX Dịch vụ nông nghiệp và Cơ khí Xuân Tiến, xã Xuân Tiến; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiềm Trang, xã Xuân Thượng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Matcha Xuân Trường và Công ty TNHH Green and Book Ambassador, xã Thọ Nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP. UBND huyện đã giao Văn phòng Điều phối NTM chủ động phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở sản xuất nâng cấp hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ thuyết minh bảo đảm theo đúng quy định. Ngày 29-7-2020, Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh tổ chức đánh giá, chấm điểm cho 5 sản phẩm là: Tinh bột nghệ, Trà sáng tạo, Bột sắn dây của Công ty TNHH Green and Book Ambassador và Matcha trà sữa 3 in 1, Bột trà xanh BG nano của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Matcha Xuân Trường. Qua đánh giá, chấm điểm bước đầu, các sản phẩm đều đạt từ 59 đến 64 điểm tương đương hạng 3 sao và đã được UBND huyện trình UBND tỉnh, Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh xem xét, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm còn lại đang được các cơ sở sản xuất tập trung nâng cấp, hoàn thiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới. UBND các xã, thị trấn cũng đang tích cực rà soát các sản phẩm tại địa phương theo tinh thần nội dung chỉ đạo tại Công văn số 358/UBND-VPĐP ngày 11-8-2020 của UBND huyện để đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục về Chương trình OCOP để phát sóng tuyên truyền hàng tuần, hàng tháng trên hệ thống Đài Phát thanh huyện và Đài Truyền thanh các xã, thị trấn để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đánh giá các sản phẩm hiện có, xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bảo đảm phù hợp với lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung hoàn thiện các điều kiện về hồ sơ, thủ tục, công bố chất lượng đối với các sản phẩm đã đăng ký. Huyện tiếp tục tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất tổ chức thành các vùng chuyên canh lớn, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh của địa phương, tạo cơ sở phát triển thành sản phẩm OCOP. Tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn OCOP tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX đăng ký hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm để trình Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh thẩm định. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đã được công nhận tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm tham gia chu trình OCOP thực hiện truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP cấp huyện, xây dựng website bán hàng trực tuyến, xây dựng, thiết lập mã QRCode… để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất. Tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tiếp tục lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo quy định; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng… để gia tăng năng lực, quy mô sản xuất. Thường xuyên quan tâm cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng sản phẩm mới để tham gia chu trình OCOP trong các năm tiếp theo./.
Văn Đại