Xã Minh Thuận (Vụ Bản) có khoảng 9.000 nhân khẩu, trong đó có trên 5.000 người trong độ tuổi lao động, phần lớn là lao động phổ thông và sản xuất nông nghiệp. Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, UBND xã Minh Thuận đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, đưa nghề về địa phương.
Công ty TNHH một thành viên May Trường Phát trên địa bàn thôn Trại Kho, xã Minh Thuận thường xuyên tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động. |
Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Căn cứ đặc điểm địa lý, định hướng phát triển ngành nghề của xã, UBND xã tổ chức đào tạo các nghề: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp cho người lao động. Thực hiện Đề án 1956, năm 2017 và 2018, tại xã đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề trồng cây lương thực, thực phẩm, sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn với tổng số 140 học viên. 6 tháng đầu năm 2020, tại xã tổ chức 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm và 1 lớp học may công nghiệp với tổng số hơn 70 học viên tham gia. Cùng với công tác đào tạo nghề theo Đề án 1956, xã Minh Thuận đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao công nghệ tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Trung bình mỗi năm, Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức 5-6 lớp đào tạo nghề sơ cấp và bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật cho 150-180 lao động; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giới thiệu giống mới… cho trên 2.000 lượt người. Sau khi học nghề, người lao động đã được trang bị thêm kiến thức giúp tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Nhiều hộ dân trong xã tận dụng, cải tạo diện tích thùng đào, ao, vườn tạp và khai thác có hiệu quả. Gia đình anh Trần Văn Hùng, ở thôn Hướng Nghĩa trước đây thuộc hộ cận nghèo. Sau khi được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, anh đã phát triển trồng quất cảnh. Anh Trần Văn Hùng cho biết: Năm 1997 anh đã trồng thử quất cảnh nhưng hiệu quả không cao. Những năm gần đây, bằng kiến thức tự học và sự hướng dẫn của giảng viên các lớp dạy nghề, anh đã tự tin mở rộng quy mô trồng quất cảnh. Đến nay, anh phát triển được trên 4 mẫu. Để đảm bảo phân bón cho cây quất cảnh, ngoài sử dụng các loại phân bón vi sinh, phân tổng hợp NPK và các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, anh Hùng còn sử dụng rơm rạ ủ mục và dùng đậu tương, ngô ngâm ủ làm phân bón cho cây. Bằng phương pháp trồng gối sóng, những năm gần đây, từ trồng quất cảnh, anh Hùng có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Ở thôn Duyên Hạ, anh Nguyễn Văn Muôn sau khi tham gia lớp đào tạo về chuyển đổi mô hình chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá chạch sụn. Anh Muôn cho biết: Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật và có sự đầu tư chăm sóc tốt nên trong các vụ nuôi, cá chạch sụn của gia đình anh đều tăng trưởng ổn định và đạt năng suất cao. Sản lượng bình quân đạt gần 1 tấn/năm. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường trên 20 vạn con giống, mức giá dao động từ 300-700 đồng/con. Doanh thu mỗi năm từ nuôi chạch sụn của anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ngoài các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Minh Thuận tổ chức lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 công ty may và khoảng 30 hộ làm nghề may. Công ty TNHH một thành viên May Trường Phát nằm trên địa bàn thôn Trại Kho, xã Minh Thuận tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Công ty tổ chức đào tạo miễn phí từ 10-15 công nhân mới vào làm; mở lớp dạy nâng cao tay nghề cho hàng chục công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất các mẫu hàng mới. Nhờ chủ động trong công tác đào tạo công nhân nên năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo và duy trì ổn định. Cơ sở may của anh Bùi Văn Quý, thôn Phú Lão hiện tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động tại địa phương. Không chỉ sản xuất các mặt hàng may mặc, anh Quý và vợ còn trực tiếp mở lớp dạy may cho lao động địa phương, mỗi lớp từ 5-10 học viên. Sau khóa đào tạo, các học viên có nhu cầu làm việc tại cơ sở may của anh Quý tiếp tục được bồi dưỡng các kỹ thuật may nâng cao để đáp ứng nhu cầu công việc. Cùng với đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô. Hàng năm, toàn xã có hàng trăm lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh… với tổng dư nợ hàng tỷ đồng.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, các đoàn thể, công tác đào tạo nghề cho lao động ở Minh Thuận đã được triển khai đồng bộ, đúng hướng, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 65%; bình quân thu nhập đầu người đạt 45,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%./.
Bài và ảnh: Viết Dư