Phân tích, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất một cách hiệu quả, bền vững, tạo nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển đang được các cấp, ngành, địa phương nhận diện. Và để giải quyết thấu đáo, căn cơ những hạn chế, bất cập trên rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, nhất là vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng quy hoạch chuyển đổi, tích tụ ruộng đất xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho thu nhập khá. |
Bài 3: Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong tích tụ ruộng đất
Diện tích đất canh tác manh mún, chính sách hạn điền, cơ chế tích tụ ruộng đất chưa phù hợp đang là những “rào cản” đối với quá trình phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch sang nền nông nghiệp chuyên môn hóa và hội nhập quốc tế. Nhằm tiếp tục khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp của tỉnh, Sở NN và PTNT đang tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương cũng nỗ lực xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tích tụ ruộng đất, phát triển nông sản hàng hóa. Tiêu biểu như huyện Ý Yên có cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, quy mô từ 10ha trở lên là 150 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hoặc nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, bền vững là 40 triệu đồng/xã, thị trấn. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/cơ sở, đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận chương trình OCOP.
Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất qua việc tích cực tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất cùng doanh nghiệp, lấy hiệu quả làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường; chỉ đạo xây dựng kế hoạch tập trung, tích tụ ruộng đất theo quy hoạch. Xã Hải Thanh là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất của huyện Hải Hậu. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và tích tụ ruộng đất, đến nay trên địa bàn xã đã có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi thủy sản có quy mô từ 1,5ha trở lên. Để có được kết quả đó, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; chỉ đạo UBND xã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ…
Từ kinh nghiệm 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM và nhiều năm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh ta xác định tích tụ, tập trung đất đai là khâu quan trọng để tổ chức xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển bền vững; có cơ cấu và hình thức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành nghề khác, sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và sự hài lòng của người dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 vừa tổ chức cũng đều đặt ra mục tiêu này. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong công tác tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo sức bật mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, các huyện, thành ủy cần xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Đồng chí Phạm Văn Quyết, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Huyện uỷ là nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi, quy hoạch đất nông nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài nhằm đưa công tác tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, trở thành “chìa khóa” tháo mở các trở ngại để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo Đảng uỷ 18 xã, thị trấn trong huyện xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng, trên địa bàn; tổ chức quán triệt nghị quyết của Huyện uỷ, kế hoạch của UBND huyện, nghị quyết của Đảng uỷ xã, thị trấn tới từng chi bộ. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Vụ Bản: Thực tế đã chứng minh, các cấp ủy có đi sâu, đi sát cơ sở mới xác định đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, các khâu then chốt, những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra để xây dựng thành công các chương trình hành động và đưa ra giải pháp tháo gỡ hiệu quả trong thực hiện tích tụ ruộng đất để thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Bí thư Phạm Văn Quyết cho biết thêm: Ban Thường vụ Huyện ủy đã có nhiều buổi làm việc với ban thường vụ Đảng ủy các xã, thị trấn để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương khi triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung, tích tụ ruộng đất. Thường trực Huyện ủy yêu cầu Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu, thường xuyên phải sâu sát cơ sở, trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, xóm; tổ chức các buổi giao ban cụm xã, nâng cao chất lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri. Qua đó, nhiều vấn đề cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa rõ, chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn đã được giải đáp kịp thời. Những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm lắng nghe, tiếp thu và tập trung giải quyết. Nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần xung kích, không ngại việc khó, sẵn sàng vận động hộ dân giao đất để tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.
Để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, giải tỏa tâm lý lo lắng, e ngại cho nông dân cần kịp thời có cơ chế cho phép, khuyến khích những người có tâm huyết, những doanh nghiệp, HTX có khả năng được thuê gom ruộng đất với điều kiện tiên quyết là đất đai chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Đi liền với đó, nhà đầu tư cần mạnh dạn cho nông dân góp vốn, góp cổ phần bằng ruộng đất và tạo điều kiện, có cơ chế chính sách đào tạo nghề để những người này được vào làm việc tại các dự án do doanh nghiệp đầu tư trên đất thuê gom của họ với chính sách trả lương và các loại bảo hiểm theo quy định; đảm bảo cho người nông dân thấy được sự ổn định, bình đẳng trong hợp tác. Đặc biệt, cần tạo được hành lang pháp lý bảo đảm quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần bằng ruộng đất diễn ra thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp, kết quả được pháp luật công nhận, quyền lợi của người nông dân được bảo vệ. Qua 75 năm thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” giành chính quyền về tay nhân dân, mang ruộng đất về cho nông dân “người cày có ruộng”, cần đảm bảo thành quả cách mạng này trong quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất tạo sự bứt phá mới cho công cuộc phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới./.
Bài và ảnh: Văn Đại