Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đang chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và không ít thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn với tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội để xây dựng và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu thì tích tụ, tập trung ruộng đất đang trở thành đòi hỏi tất yếu.
Tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất tạo động lực để người dân đầu tư máy móc giải phóng sức lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. (Trong ảnh: Nông dân xã Quang Trung, huyện Vụ Bản thu hoạch lúa xuân năm 2020). |
Bài 1: Đa dạng hóa các mô hình tích tụ ruộng đất
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 đã có nhiều hình thức tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo tiền đề thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích; đồng thời giúp người nông dân làm giàu bằng chính nghề nông tại quê hương. Huyện Vụ Bản, địa phương trước đây được xem là có ruộng đất manh mún nhất tỉnh nhưng hiện có nhiều hộ nông dân đang sử dụng hàng chục héc-ta ruộng để gieo cấy “đồng trà, đồng giống, đồng kỹ thuật thâm canh”, tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Chủ động nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh được sự hỗ trợ của Chi ủy Chi bộ thôn, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Thanh vận động bà con cho anh thuê ruộng của gia đình để tích tụ thành vùng sản xuất quy mô lớn. Hơn 250 hộ dân ở 2 thôn Trung Cấp và Du Duệ đã đồng ý giao ruộng cho anh sản xuất với quy mô hơn 10ha chuyên sản xuất lúa thương phẩm. Anh Hưng cho biết: Vụ mùa năm 2020 là vụ thứ 10 liên tiếp tôi gieo cấy trên vùng đất tập trung này. Toàn bộ diện tích tôi gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá là giống lúa có giá trị hàng hóa cao, đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ được gieo cấy tập trung trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty TNHH Toản Xuân thu mua với giá thỏa thuận theo hợp đồng. Vụ xuân năm 2020, năng suất lúa bình quân đạt 160 kg/sào; với giá bán là 82 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 500 nghìn đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần so với sản xuất đơn lẻ… Tại xã Liên Bảo gia đình chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch cũng có vùng canh tác tập trung lớn với quy mô hơn 17ha. Nhờ có ruộng đất rộng, tập trung, đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, gia đình chị đã làm giàu từ chính nghề nông, với thu nhập bình quân hàng năm từ 300-350 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều hộ nông dân khác trong thôn cũng có đời sống kinh tế ổn định nhờ hợp tác làm ăn với gia đình chị và doanh nghiệp. Hiện, chị Luyến đang tiếp tục thuê thêm gần 5ha ở cùng cánh đồng để mở rộng quy mô sản xuất.
Về xã Yên Cường (Ý Yên), nơi có những vùng sản xuất giống lúa rộng 35ha; vùng sản xuất lạc thương phẩm, lạc giống rộng 32ha; vùng sản xuất rau an toàn rộng 20ha và vùng sản xuất khoai tây thương phẩm quy mô 25ha. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường cho biết: Trước đây, ruộng đất manh mún khiến bà con sản xuất rất khó khăn, giá trị thu nhập không cao. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, một số bà con chuyển đổi ngành nghề, nhường ruộng cho HTX đầu tư cải tạo thành những vùng cánh đồng lớn sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân và khẳng định vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX Nam Cường cung cấp cho Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định, Công ty TNHH Green (thành phố Nam Định) và một số đại lý, cửa hàng, bếp ăn tập thể tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) từ 3-4 tạ rau, củ các loại. HTX có 3 loại rau, gồm: rau muống, dưa chuột và đậu bắp đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao; 5 sản phẩm rau vụ đông gồm: Bắp cải, cải bó xôi Nhật, khoai tây, su hào và cải ngọt đã được Hội đồng tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP huyện Ý Yên chấm điểm đạt tiêu chuẩn, đang tích cực chuẩn bị tham gia và phấn đấu đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong vụ đông năm nay. Theo tính toán của HTX, trung bình 1 sào trồng rau ăn lá cho thu nhập từ 6-8 triệu đồng trong thời gian 45 ngày; còn các loại bí xanh, bắp cải, dưa chuột thì cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/sào trong thời gian 90 ngày. Sản xuất theo quy trình an toàn, có liên kết bao tiêu sản phẩm, ước tính cho thu khoảng 100-120 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 1 lứa trong 90 ngày); đối với cây trồng 2 lứa (45 ngày/lứa) thì cho thu nhập khoảng 150-170 triệu đồng/ha.
Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đã liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp và các hộ nông dân thuê gom, tích tụ được gần 305ha ruộng ở 9 xã, thị trấn; đầu tư nhà máy chế biến và bảo quản hạt giống có diện tích 19.600m2; 15 kho lạnh với dung tích bảo quản trên 750 tấn thóc giống; 15 dây chuyền sấy hạt giống và nhiều công cụ nông nghiệp khác..., bảo đảm cơ giới hóa cơ bản các khâu làm đất, thu hoạch, chế biến và bảo quản giống lúa. Việc sản xuất được giống lúa lai F1 tập trung đảm bảo chất lượng của Công ty đã giúp cho tỉnh và nhiều địa phương khác chủ động được cơ cấu giống và thời vụ. Các cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống của Công ty đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 đến 4,5 lần so với sản xuất lúa truyền thống; hộ nông dân liên kết sản xuất lúa giống thu lợi nhuận từ 36-48 triệu đồng/ha/năm và tạo thêm hàng nghìn ngày công cho nông dân trong vùng.
Không chỉ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập, làm giàu ngay tại quê hương, tập trung, tích tụ ruộng đất đang là bàn đạp thúc đẩy việc hiện đại hóa ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, các huyện, thành phố đã quy hoạch được vùng “cánh đồng lớn” kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Không chỉ tạo diện mạo mới trên đồng ruộng, tích tụ ruộng đất cũng thúc đẩy việc tổ chức sản xuất nông nghiệp khoa học hơn, thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao; thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tại nhiều cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất tập trung, trang trại, gia trại; các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản kết hợp với xây dựng thương hiệu sản phẩm được các doanh nghiệp và người dân áp dụng.
Tại các địa phương, kinh tế trang trại, gia trại phát triển nhanh với trên 3.300 gia trại và 641 trang trại; trong đó có 12 trang trại trồng trọt, 267 trang trại chăn nuôi, 45 trang trại tổng hợp và 317 trang trại thủy sản. Các trang trại, gia trại ngày càng gia tăng về quy mô và sử dụng nhiều ruộng đất, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, với giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng. Các loại dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng phát triển tích cực. Vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh đã hình thành 234 cánh đồng lớn (trong đó đã quy hoạch và xây dựng ổn định trên 150 cánh đồng lớn) với diện tích 12.767ha, trong đó có 1.804ha được liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%. Riêng trong sản xuất lúa gạo, toàn tỉnh có 6.000 máy làm đất, tăng 5% so với năm 2017; 152 máy cấy lúa bằng mạ khay, tăng 164% so với năm 2017; 4.522 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ bảo đảm 80% diện tích, tăng 10% so với năm 2017, 1.286 máy gặt đập liên hợp đảm bảo thu hoạch 95% diện tích, tăng 7% so với năm 2017. Mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo giảm còn 7%, với ngô và rau quả là 10%. Trong thủy sản, tỷ lệ cơ giới trong khâu sản xuất, chế biến thức ăn đạt 68%, tăng 20% so với năm 2017, sục khí ao đầm nuôi công nghiệp đạt 100% và cung cấp nước đạt 80%. Trong chăn nuôi có 241 hệ thống cho ăn bán tự động, uống nước tự động, mức cơ giới hóa đạt 29%; 643 hệ thống làm mát và vệ sinh chuồng nuôi, mức cơ giới hóa đạt 20%; có 786 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc; 598 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ) tỷ lệ cơ giới hóa đạt 25%. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 90 máy sấy lúa, trong đó chủ yếu là máy sấy tĩnh vỉ ngang (lò sấy), có 1 tháp sấy, công suất trung bình từ 15-20 tấn thóc/mẻ, đảm bảo 25% sản lượng. Nhờ đó, các doanh nghiệp như: Công ty VinEco, Công ty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, Công ty Lenger, Công ty Biển Đông, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân... đã phát triển được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản nên không chỉ thu được lợi nhuận hàng năm mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương, với thu nhập ổn định.
Việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất sản xuất cánh đồng lớn theo chủ trương của tỉnh trong nông nghiệp đang ngày càng khẳng định sự đúng đắn và phù hợp với thực tiễn phát triển sản xuất nông sản hàng hóa trong thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại