Tích cực quan tâm công tác xử lý rác thải sinh hoạt (kỳ 1)

07:09, 16/09/2020

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên đã gia tăng lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh. Để cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị, những năm qua tỉnh đã quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình xử lý RTSH; đẩy mạnh xã hội hóa thu hút người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư, góp sức trong công tác thu gom, xử lý RTSH.

I. Chung sức vào cuộc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Từ năm 2007, bằng nguồn chi sự nghiệp môi trường, tỉnh đã quan tâm bố trí trên 1% tổng chi ngân sách địa phương để chi cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) theo Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị. Tổng kinh phí sự nghiệp môi trường từ năm 2013-2018 là 793 tỷ 379 triệu đồng (tỉnh chi 186 tỷ 382 triệu đồng; huyện chi 498 tỷ 817 triệu đồng; xã chi 108 tỷ 180 triệu đồng), vì vậy đã đáp ứng được một phần yêu cầu đầu tư cho công tác BVMT nói chung. Trong đó, đã phân bổ dự toán cho các cấp, các ngành chiếm 60%; 40% dành chi hỗ trợ các xã, thị trấn thu gom, xử lý và xây dựng khu xử lý RTSH và các dự án xử lý môi trường cấp bách. Tại khu vực nông thôn hiện đã có 182/201 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý RTSH. Có 73 xã, thị trấn xây dựng bãi chôn lấp; 109 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt, công suất các lò đốt dao động từ 300kg/h đến 500kg/h, có một số ít lò đốt công suất 1.000kg/h.

Xã Quang Trung (Vụ Bản) tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Xã Quang Trung (Vụ Bản) tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trong thu gom, xử lý RTSH. Các thôn xóm đã đề ra quy chế, hương ước bảo vệ các công trình BVMT; hình thành và duy trì 100% các thôn xóm, khu dân cư tập trung có tổ thu gom, xử lý RTSH. Đặc biệt, các địa phương đã chú trọng phát động toàn dân tham gia BVMT, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Các huyện, các xã vận động mỗi gia đình đều có ý thức phân loại xử lý RTSH tại nguồn. Toàn tỉnh hiện có 28/345 thôn, xóm (2.706/41.787 hộ) của 21 xã đã tham gia áp dụng thí điểm phân loại RTSH tại nguồn theo 3 mô hình gồm: Mô hình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” được 112 hộ dân xã Hải Lý (Hải Hậu) tham gia thực hiện theo hướng sử dụng các thùng nhựa hình trụ, dung tích 220 lít để chứa rác hữu cơ, ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC giúp rác phân hủy (sau 30-45 ngày) thành phân vi sinh. Mô hình “Hố rác hữu cơ di động” thực hiện ở các xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Nam Cường (Nam Trực), Yên Cường (Ý Yên)… mang lại hiệu quả cao trong xử lý rác thải hữu cơ dễ phân hủy, giúp tạo phân vi sinh để sử dụng ngay tại hộ gia đình. Mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” áp dụng tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy)… thực hiện theo hướng phân loại rác thải thành 2 loại hữu cơ dễ phân hủy và vô cơ, rác hữu cơ sau khi phân loại được tận dùng làm thức ăn chăn nuôi, một phần xử lý thành phân vi sinh hoặc vận chuyển về xử lý tại khu xử lý RTSH tập trung; rác thải rắn không tái chế được vận chuyển, xử lý tại khu xử lý tập trung. Công tác thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình xử lý RTSH theo hướng xã hội hóa tại một số huyện đạt kết quả tích cực; hầu hết các công trình được xây dựng trên diện tích khu xử lý rác thải cũ của địa phương và vận hành có hiệu quả. Điển hình như: “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” do Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực thực hiện tại thị trấn Nam Giang; “Công viên kết hợp xử lý rác thải tại thị trấn Xuân Trường” do Công ty TNHH Tân Thiên Phú thực hiện; “Khu liên hợp xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh” do Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh thực hiện tại thị trấn Cổ Lễ. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Môi trường Thảo Nguyên thị trấn Ngô Đồng còn sản xuất “Lò đốt rác LODORA”. Đến nay tại khu vực nông thôn có 201/201 xã, thị trấn có hoạt động thu gom, xử lý RTSH tập trung và tổ chức thu phí dịch vụ vệ sinh theo mô hình các tổ, đội vệ sinh môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường. Tổng lượng RTSH thu gom đạt khoảng 580 tấn/ngày (tổng lượng phát sinh khoảng 660 tấn/ngày); tỷ lệ thu gom ước tính đạt 88,4%. Chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thành phố Nam Định được Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa với tổng lượng khoảng 186 tấn/ngày; tỷ lệ xử lý đạt khoảng 94%.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội và người dân, doanh nghiệp công tác thu gom, xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh hiện đã đi vào nền nếp; các công trình xử lý RTSH quy mô cấp xã, áp dụng phương pháp chôn lấp hoặc sử dụng lò đốt trước mắt giảm thiểu tình trạng xả rác thải bừa bãi ra sông, kênh, mương, khu vực công cộng. Ý thức BVMT của mọi tầng lớp trong xã hội đã từng bước được nâng cao, đông đảo người dân tại các địa phương đều nhiệt tình ủng hộ, tham gia công tác thu gom, xử lý RTSH, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com