Với trên 70% dân số sống bằng nghề nông nên nhiệm vụ vừa bảo đảm an toàn lương thực, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao, gia tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn đối với ngành Nông nghiệp tỉnh ta. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết để tạo bứt phá phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu…
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ nông dân các địa phương cơ giới hóa các khâu sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động nặng nhọc, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập (Trong ảnh: Nông dân xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản làm đất phục vụ gieo cấy lúa mùa năm 2020). |
I. Những kết quả tích cực
Qua 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng bình quân 3,3%/năm (kế hoạch 2,5-3%/năm); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 3,6%/năm (kế hoạch trên 3,5%/năm); giá trị gia tăng hàng năm của các mặt hàng nông sản chủ lực đạt 10-15% (kế hoạch 10-15%); tỷ trọng nông sản hàng hóa đạt 75% (kế hoạch trên 70%); tỷ trọng lao động nông nghiệp còn 55% (kế hoạch giảm xuống dưới 60%); tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 77,8% (kế hoạch đạt trên 60%). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn ước đạt 52 triệu đồng (kế hoạch 45-50 triệu đồng). Đến hết năm 2019, tỉnh ta có 5/5 tiêu chí đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020. Cụ thể, tiêu chí tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 11,8%, vượt 1,47%; tiêu chí tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 10,03%, vượt 0,03%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 62,47%, vượt 32,47%; Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 77,8%, vượt 37,8% và tỷ lệ nữ trong số nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 80%, vượt 40%.
Trồng trọt đã chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng sang chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng cao giai đoạn 2017-2019 đạt trên 71% diện tích, năm 2020 ước đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 900 nghìn tấn/năm. Giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất tăng từ 98,19 triệu đồng (năm 2017) lên 114,42 triệu đồng (năm 2019); năm 2020 dự kiến đạt 116 triệu đồng. Các phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo cấy, thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ. Sản xuất rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được coi trọng. Duy trì và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”. Vụ đông xuân năm 2020, toàn tỉnh đã hình thành 234 cánh đồng lớn, đã quy hoạch và xây dựng ổn định trên 150 cánh đồng lớn với diện tích 12.767ha, trong đó có 1.804ha được liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%, điển hình như: Mô hình liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Cường Tân, Công ty CP Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường; mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân…
Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ chuyển sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, gắn kết với tiêu thụ sản phẩm. Năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường, nhất là các bệnh nguy hiểm, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi; môi trường chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn. Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 247 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 186.500 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017.
Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,5%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng, tăng giá trị sản phẩm khai thác. Năm 2020 ước diện tích nuôi trồng thủy sản là 16.300ha tăng gấp 1,15 lần so với 2017; phong trào nuôi thủy sản phát triển sôi động trên cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt, đã hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung. Bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, những năm gần đây tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Các vùng nuôi ngao thương phẩm được kiểm soát chặt chẽ đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Năm 2020, sản lượng ngao thương phẩm ước đạt 39,5 nghìn tấn (tăng 23,1% so với năm 2017). Trên cơ sở từng bước áp dụng khoa học công nghệ đã hình thành những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; năng suất bình quân đạt 8-10 tấn/ha, nhiều mô hình đạt 40-50 tấn/ha. Giá trị sản xuất trên 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt từ 800-900 triệu đồng; các mô hình nuôi công nghệ cao đạt trên 3 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất giống tiếp tục duy trì và đạt kết quả khá. Hàng năm đã sản xuất được từ 9-12 tỷ con giống các loại, đáp ứng được từ 70-75% nhu cầu nuôi thả của toàn tỉnh. Đã làm chủ được công nghệ sản xuất tôm sú, ngao Bến Tre, ngao 2 cùi, cá bống bớp, cá hồng Mỹ, cua giống, hàu Thái Bình Dương và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ốc hương, ốc nhồi, sò thưng... Trong khai thác thủy hải sản, cơ cấu tàu khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng tăng số lượng, công suất tàu khai thác xa bờ, giảm số lượng tàu, công suất khai thác gần bờ. Ngư dân đã từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới như: Lắp đặt ra đa, máy dò cá, định vị vệ tinh GPS, hải đồ điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kết nối giữa các tàu cá hoạt động trên biển và các cơ quan quản lý trên đất liền. Đồng thời thành lập 22 tổ, đội hợp tác khai thác trên biển, kết hợp chặt chẽ giữa các tàu khai thác với tàu dịch vụ hậu cần để vươn khơi khai thác tại các ngư trường mới, hợp tác để khai thác tại các ngư trường nước ngoài, tập trung tăng sản lượng các sản phẩm khai thác có giá trị cao. Nhờ đó, sản lượng thuỷ sản năm 2020 ước đạt 166.690 tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2017, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 111.520 tấn, khai thác đạt 55.170 tấn.
Tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản. Toàn tỉnh hiện có 539 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng 196 cơ sở so với năm 2017. Hiện đang có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông DHS, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam... Cơ giới hóa tiếp tục được phát triển nhanh ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân. Riêng trong sản xuất lúa, toàn tỉnh có gần 6.000 máy làm đất, tăng 5% so với năm 2017; 152 máy cấy lúa bằng mạ khay giúp cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt 6% diện tích, 4.522 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ đảm bảo 80% diện tích, 1.286 máy gặt đập liên hợp bảo đảm thu hoạch đạt 95% diện tích lúa, tăng 7% so với năm 2017…
Những kết quả trên có được là nhờ có sự kết hợp thực hiện linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương và việc lựa chọn đúng các lĩnh vực để chỉ đạo tạo đột phá trong từng giai đoạn với các cơ chế, chính sách phù hợp của tỉnh, các ngành, địa phương nên tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP); hỗ trợ phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp; chính sách phát triển kinh tế thủy sản; hỗ trợ xây dựng quản lý chất lượng sản phẩm bảo vệ môi trường; bảo hiểm y tế...
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại