Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh phát triển. Tuy nhiên đến nay tiến độ, chất lượng Chương trình OCOP ở một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy các sở, ngành, các huyện, thành phố đang tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sản phẩm rượu ngâm đông trùng hạ thảo, rượu ngâm đông trùng hạ thảo mật ong của Doanh nghiệp Tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao. |
Những kết quả bước đầu
Xác định triển khai Chương trình OCOP theo chỉ đạo của UBND tỉnh là giải pháp quan trọng hoàn thành nhóm tiêu chí “sản xuất - thu nhập - hộ nghèo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu nên các sở, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện; đồng thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực tham gia hưởng ứng chương trình để phát triển sản phẩm trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Để hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thành phố tổ chức các nhóm tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm của các cơ sở, đơn vị đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Tích cực phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất lượng sản phẩm, cách thức hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng “câu chuyện sản phẩm”; cách thức phát triển hệ thống phân phối, tiếp thị sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực triển khai, thực hiện Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ Hội đồng Tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trong tỉnh. Nhờ đó đến thời điểm này, tỉnh ta có 62 sản phẩm của 29 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao; trong đó có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 44 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình OCOP với 42 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tiếp đó là thành phố Nam Định... Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao đều có chất lượng tốt; mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa đa dạng và là sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, bước đầu chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khá đa dạng trên các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, thực phẩm, nông sản, thủy sản… Doanh nghiệp tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là một trong những đơn vị tích cực tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ doanh nghiệp cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Sở NN và PTNT, Hội đồng Tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu và UBND thị trấn Thịnh Long, doanh nghiệp đã thực hiện chu trình xây dựng sản phẩm OCOP cho 5 sản phẩm, bao gồm: Nấm đông trùng hạ thảo, Rượu ngâm đông trùng hạ thảo, Rượu ngâm đông trùng hạ thảo mật ong, Nước mắm Phú Long và Mắm tôm Phú Long. Các sản phẩm của doanh nghiệp được Hội đồng Tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 3 sao trong đợt I năm 2020. Xây dựng thành công sản phẩm OCOP đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định, sản phẩm đạt chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng, nhờ đó doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp
Những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong hơn 1 năm qua của tỉnh là rất đáng ghi nhận, đặc biệt việc triển khai Chương trình OCOP năm 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh vẫn còn rất lớn so với những gì đã đạt được thời gian qua. Chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình còn khó khăn, hạn chế do một số cán bộ, người dân ở địa phương chưa nhận thức đầy đủ về bản chất, nguyên tắc của Chương trình OCOP cũng như lợi ích khi tham gia chương trình. Tại một số địa phương mặc dù đã ban hành kế hoạch nhưng chậm triển khai các hoạt động cụ thể, chưa bám sát và thực hiện đúng chu trình OCOP theo quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp xã còn hạn chế, do đó chất lượng, tiến độ triển khai Chương trình OCOP chưa đáp ứng yêu cầu. Các sản phẩm được công nhận chủ yếu mới là sản phẩm có sẵn, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể đơn lẻ có tính cộng đồng chưa cao; chưa chú trọng phát triển sản phẩm đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình…
Vì vậy để Chương trình OCOP của tỉnh bảo đảm tiến độ, mục tiêu đề ra và trở thành động lực thúc đẩy hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình OCOP năm 2020, phấn đấu hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò của lãnh đạo các xã, thị trấn đối với việc phát triển sản phẩm OCOP cần xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và nổi trội. Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ, tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP các cấp và lãnh đạo cấp cơ sở; đồng thời hỗ trợ đào tạo kiến thức quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thương hiệu, marketing và quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện chương trình, các quy định của Nhà nước về Chương trình sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông, hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương. Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, trước mắt cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho 80 sản phẩm của các địa phương đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020 theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8-6-2020. Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh trên website Chương trình OCOP của tỉnh; thực hiện truyền thông và xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP; tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử: postmart.vn, voso.vn…; tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng website bán hàng online. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP thông qua việc chỉ đạo xây dựng, thiết lập mã QR code, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự động công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định; thực hiện quản lý, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP. Bản thân các chủ thể sản phẩm cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo đúng quy định.
Hy vọng những giải pháp cụ thể và quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, các sở, ngành, địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP đề ra, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại