Phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (kỳ 2)

07:06, 12/06/2020

(Tiếp theo và hết)

Đổi mới toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ; tăng cường liên kết hợp tác để khắc phục các hạn chế, trở ngại do BĐKH; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong liên kết chuỗi… là những giải pháp chiều sâu của ngành Nông nghiệp để phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với BĐKH.

Việc xây dựng ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng chuyên canh, bảo đảm an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường được người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) quan tâm đầu tư, góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu.  
Việc xây dựng ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng chuyên canh, bảo đảm an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường được người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) quan tâm đầu tư, góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu.  

Bài 2: Từng bước chuyển đổi để thích ứng

Trước những vấn đề đặt ra, ngành NN và PTNT đã và đang tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để thích ứng với BĐKH, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại các địa phương. Đồng chí Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở NN và PTNT khẳng định: Cùng với các chính sách của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của từng giai đoạn, tỉnh ta luôn lựa chọn các lĩnh vực có tính đột phá để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia để phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM); khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp; bảo vệ môi trường; bảo hiểm y tế; các chính sách nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ đất, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo hiểm cây lúa... Tỉnh đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh ta đã hình thành, duy trì và phát triển được trên 30 chuỗi liên kết giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô gần 600ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô 565ha; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Lenger; chuỗi sản xuất rau sạch của Công ty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh; chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty dược trên địa bàn tỉnh... Các doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh với sự hỗ trợ của các ngành chức năng đã hợp tác thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh với trên 40 thành viên, nhằm tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các hình thức sản xuất mới cũng được các ngành, địa phương quan tâm phát triển với mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản, nông - thủy sản kết hợp; nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao như: lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu… thích nghi và có khả năng chịu mặn, chịu hạn, ngập lụt, hạn hán phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh góp phần duy trì sự phát triển ổn định của ngành NN và PTNT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đang tích cực chỉ đạo, bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên, môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH. Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã nghiên cứu, tuyển chọn, bổ sung hàng chục giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chủ động công nghệ duy trì các dòng lúa bố, mẹ và công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1, công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng; làm chủ công nghệ chăn nuôi chuồng kín, công nghệ cải tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao... Nhờ đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thích ứng với BĐKH tăng đáng kể, năm 2019 chiếm trên 75% diện tích. Tích cực triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp... Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện dự án xây dựng mô hình nghiên cứu quy trình, ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất giống khoai tây sạch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất giống khoai tây trên quy mô công nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nghiên cứu sản xuất lạc, sản xuất rau sạch công nghệ cao, sản xuất giống và lợn sữa Móng Cái, sản xuất giống và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương thương phẩm… Nhiều công trình đề tài nghiên cứu khoa học đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp như: Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp tạo sinh kế cho người dân thông qua việc xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ và công nghệ; tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia liên kết của 6 “nhà”: Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà nông - Nhà bank (ngân hàng) - Nhà phân phối, trong đó doanh nghiệp có vai trò đi đầu. Nhiều doanh nghiệp đang trở thành động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát triển nhanh, bền vững. Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thành công các lúa giống mới M1-NĐ, CS6-NĐ, đáp ứng được trên 50% nhu cầu lúa lai giống trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng năng suất, thay thế các giống lúa nhập ngoại và các giống lúa cũ đã bị thoái hóa. Nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như các giống lúa Dự hương, TBR225, Thiên ưu 111, Kim cương 111; giống lạc Trạm dầu 207, khoai tây Đức, bí xanh Thành Nông 1 được các địa phương đưa vào và nhân rộng ra sản xuất đại trà đạt hiệu quả tích cực. Một số mô hình sản xuất nông sản an toàn theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản được xây dựng thành công. Trong lĩnh vực thủy sản, việc tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công nghệ nuôi sinh học của các hộ nuôi tôm bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nông trường Bạch Long (Giao Thủy), xã Hải Triều (Hải Hậu), thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (USAID) tài trợ từ năm 2017 đang mở ra hướng phát triển mới cho nông dân. Ưu điểm của mô hình này là chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế sử dụng hóa chất để đảm bảo sản phẩm không có tồn dư hóa chất, kháng sinh gây hại cho người sử dụng. Các hộ nuôi phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như: nguồn nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc của sản phẩm. Mô hình thực hiện nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng kết hợp với các loại cá nước ngọt như cá diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ… do hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu thụ ổn định tại thị trường trong và ngoài tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội… Tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), hộ ông Nguyễn Lương Bằng, khu 2 đã nghiên cứu, áp dụng và hoàn thiện quy trình ứng dụng công nghệ Biofloc nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn rút ngắn thời gian nuôi, tăng mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu rủi ro, chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc một năm ông Bằng nuôi được 3 vụ, sản lượng bình quân mỗi năm đạt 40-60 tấn tôm, lãi từ 1,5-2 tỷ đồng/năm.

Rõ ràng, BĐKH phát sinh nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng tạo ra những động lực, đòn bẩy để ngành Nông nghiệp tiếp tục đổi mới có chiều sâu trong quá trình tìm cách thích ứng khắc phục khó khăn, đạt kết quả cao hơn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng NTM bền vững./.

 Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com