Phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (kỳ 1)

07:06, 11/06/2020

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Vì vậy, tìm giải pháp sản xuất thích ứng với BĐKH đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai thực hiện nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng các loại nông sản và giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành trong thời gian tới.

Công ty TNHH Thuận Thành liên kết với các trang trại nuôi lợn trong tỉnh nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất xúc xích, cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước.
Công ty TNHH Thuận Thành liên kết với các trang trại nuôi lợn trong tỉnh nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất xúc xích, cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Bài 1: Nông nghiệp đối diện nhiều rủi ro, thách thức từ BĐKH

BĐKH và các hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà đã thực sự hiện hữu ở Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng và đang tác động rất lớn tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể năm 2019, thiên tai xảy ra ở Việt Nam liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 8 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, 222 trận dông, lốc, sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt nắng nóng, 63 trận mưa lớn, ngập lụt, 13 trận động đất. Thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 7.000 tỷ đồng… Tỉnh ta bị ảnh hưởng liên tiếp của 3 cơn bão số 2, 3 và 4; 4 đợt rét đậm, rét hại; 9 đợt nắng, nóng và nắng, nóng gay gắt; 9 đợt gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường, gió mạnh trên biển. Thiên tai đã làm 3 người chết khi đang thu hoạch lúa; làm sạt, sập đê, kè trên tuyến đê biển cả 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Cụ thể, thiên tai đã làm sạt, sập mái kè Hải Thịnh 2, 3, kè Cồn Tròn, làm sạt lợ̉t cơ, mái kè bãi 2 khu du lịch Thịnh Long, bào mòn mái kè Đinh Mùi, xã Hải Triều (Hải Hậu); mái kè bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy); sạt, sập phá hủy toàn bộ kè, tường kè, đường giao thông tuyến kè Sinh Thái (Nghĩa Hưng)… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 75 tỷ đồng. Đặc biệt chưa bao giờ ngay đêm Giao thừa lại có mưa đá trên diện rộng; vụ xuân năm 2020 mặn xâm nhập sâu trên 50km, lượng nước ở các tuyến sông chính xuống thấp kỷ lục, gây rất nhiều khó khăn cho công tác lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy… Có thể thấy, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, rủi ro gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng nông sản và nguồn thu nhập của nông dân. Sản xuất nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước thiên tai do phụ thuộc nhiều vào khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và thương mại toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: BĐKH làm gia tăng thiên tai và những rủi ro đối với nông nghiệp. Ngoài ra do hệ thống thủy nông của tỉnh đã được thiết kế, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu, gây ra không ít áp lực về tài nguyên đất, nước, suy giảm hệ sinh thái và gia tăng tổn thương đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo. Bởi vậy, việc thích ứng của hệ thống tưới, tiêu nước phải được tính toán cẩn thận và đáp ứng được lượng nước tối ưu cho cây trồng, vật nuôi trong quá trình sinh trưởng. Sự biến đổi thời tiết trong mùa mưa dẫn đến tần suất hạn trong mùa hè và lụt sẽ tăng lên, bão, lũ… sẽ tác động ngày một mạnh hơn. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, việc canh tác không đúng kỹ thuật làm tăng lượng khí CO2, giảm nguồn hữu cơ cho đất, tăng xói mòn làm tăng sự mất mát ni-tơ trong đất. Tình trạng xả thải, đốt rơm, rạ sau thu hoạch không chỉ gây ách tắc dòng chảy và khó khăn cho công tác tưới, tiêu nước mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo sớm các hình thái thời tiết, khí hậu của tỉnh ta còn hạn chế dẫn đến việc kịp thời ứng phó, thích ứng của ngành Nông nghiệp nói chung cũng như sản xuất cây trồng, phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn… Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), những ảnh hưởng của BĐKH, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi là những nguyên nhân chủ yếu làm giảm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2014-2020, cụ thể: Bão số 1 năm 2016 đã gây thiệt hại trên 2.400 tỷ đồng; tổ hợp thiên tai mưa - lũ - triều dâng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng... là nguyên nhân chủ yếu làm cho ngành trồng trọt tăng trưởng âm 5,1% năm 2017. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn bùng phát trên diện rộng, một số bệnh sâu hại mới xuất hiện, chưa có kinh nghiệm trong phòng trừ như: Bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại cho 23.254ha lúa, trong đó 9.432ha lúa bị mất trắng, tổng sản lượng lúa mùa năm 2017 giảm khoảng 69 nghìn tấn. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt dịch lở mồm, long móng tại 19 xã của 6 huyện khiến 751 con lợn và 5 con bò mắc bệnh. Bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của cả nước. Tại tỉnh ta, tổng số lợn chết và phải tiêu hủy 265.976 con; trong đó lợn nái 57.954 con, lợn đực 899 con, lợn thịt 141.357 con và lợn con 65.766 con. Tổng trọng lượng tiêu hủy 14.508.588,4kg, thiệt hại trên 557 tỷ 693 triệu đồng. Đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, trong một vài vụ gần đây xuất hiện sâu keo mùa thu mới từng gây hại nặng cho cây ngô, lúa ở một số địa phương.

Những khó khăn, thách thức do BĐKH đối với ngành Nông nghiệp và đời sống người dân đang được ngành chức năng, các địa phương nhận diện để có những giải pháp thích ứng với sự thay đổi của thời tiết theo hướng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới tăng tỷ trọng những ngành, hàng có giá trị tiềm năng, năng suất, giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định gắn với bảo vệ môi trường./.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com