Quy hoạch phát triển khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo hướng đa ngành

08:05, 27/05/2020

Để xây dựng, phát triển khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng) theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm và chuyên sâu về các lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản gắn với kinh tế và sinh thái biển; có hệ thống hạ tầng đồng bộ và môi trường phát triển bền vững; là trung tâm du lịch biển, dịch vụ giải trí của tỉnh và của cả nước; là nhân tố quan trọng trong khu vực kinh tế biển của tỉnh phát triển năng động và có môi trường hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1060/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040.

Cán bộ Phòng Công Thương Nghĩa Hưng nghiên cứu bản đồ Quy hoạch xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040.
Cán bộ Phòng Công Thương Nghĩa Hưng nghiên cứu bản đồ Quy hoạch xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040.

Theo Quyết định UBND tỉnh phê duyệt, khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Rạng Đông II và mở rộng đến hết vùng bãi bồi phía Nam huyện Nghĩa Hưng; có quy mô diện tích khoảng 4.896ha (trong đó diện tích đất liền khoảng 3.714ha và diện tích quy hoạch khai thác mặt nước biển khoảng 1.182ha). Trên cơ sở cấu trúc và căn cứ theo định hướng của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, toàn khu quy hoạch được phân chia thành 5 khu chức năng gồm: công nghiệp, đô thị, dịch vụ (808,4ha); khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn (1.777,8ha); khu dịch vụ sinh thái cửa sông Đáy (153ha); khu du lịch sinh thái biển (775,9ha); khu đô thị dịch vụ, thương mại tổng hợp phục vụ chuyên gia, lao động dịch vụ, khách đến làm việc, tham quan du lịch thể thao và các nhóm dân cư quy đổi khác đến tạm trú (1.380,9ha) được bố trí đồng bộ chức năng nội khu, hoạt động vừa độc lập vừa liên kết với nhau và với các khu vực lân cận. Về định hướng không gian phát triển, toàn bộ khu vực sẽ được kết nối giao thông vùng với đô thị Rạng Đông, khu vực đất liền và khu vực biển của tỉnh. Trong đó, khu vực trong đê là Khu công nghiệp Rạng Đông giai đoạn 2 theo mô hình thân thiện với môi trường; cung cấp cơ bản đầy đủ các dịch vụ cho sản xuất (khu sản xuất, khu điều hành, khu dịch vụ công nghiệp, cung ứng vận tải đường bộ, phát triển chọn lọc một số điểm nhà ở cho chuyên gia, cán bộ, công nhân viên; phát triển cây xanh sinh thái, công viên, hồ điều hòa). Khu vực ngoài đê sẽ nạo vét, chỉnh trị vùng đầm trũng thành hồ trung tâm có kiểm soát về mực nước; kết nối không gian xanh và mặt nước, tạo khung cấu trúc phát triển bền vững. Hệ thống mặt nước hồ vừa có giá trị là hồ nước ngọt, tạo cảnh quan, vừa điều hòa thoát nước mưa. Cấu trúc phát triển không gian kết hợp giữa hướng biển và hướng về nội khu. Trong đó, các trục chính là các trục hướng biển; các trục nội khu là các trục hướng về khu trung tâm của khu chức năng; trục tổ chức không gian chính là các trục giao thông đều được kết nối với Khu đô thị Rạng Đông và Khu công nghiệp Rạng Đông giai đoạn I. Khu vực được quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (giao thông; cấp - thoát nước; cấp điện, thông tin liên lạc; vệ sinh môi trường). Quy hoạch hệ thống giao thông của khu vực gồm hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội và các công trình đầu mối giao thông. Hệ thống giao thông đối ngoại đường bộ của khu vực quy hoạch được phát triển với các tuyến đường đối ngoại, trục chính trong khu công nghiệp, đường trục chính đô thị (các tuyến xuyên tâm, liên kết các khu phát triển của đô thị) với mặt đường được thiết kế rộng từ 44-68m gồm 6-12 làn xe chạy, dải phân cách giữa rộng 3-15m, vỉa hè rộng từ 10-14m, vận tốc thiết kế 60-80km/giờ; tuyến đường trục phát triển kinh tế phía Nam kéo dài rộng 32,5m, dải phân cách giữa là 10,5m, quy mô 4 làn xe. Các tuyến đường vành đai (phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Rạng Đông và vùng bãi bồi, phục vụ vận tải hành khách của các khu du lịch dịch vụ) gồm: đường đê biển Nghĩa Hưng (đê Quốc phòng) bao xung quanh Khu công nghiệp Rạng Đông và vùng bãi bồi mặt đường rộng 5m, lề đất 2 bên mỗi bên rộng 2m, phần đường gom dưới chân đê được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị mặt đường rộng 15m, vỉa hè 2 bên mỗi bên rộng 5m; đường ven biển định hướng quy hoạch đường cấp III đồng bằng mặt đường là 21m, vỉa hè hai bên rộng 10m, dải phân cách rộng 3m và có hệ thống kè biển bảo vệ. Cùng với hệ thống giao thông đối ngoại đường bộ là hệ thống đường thủy đối ngoại với tuyến đường thủy sông Đáy phát triển thành đường thủy cấp V, dài 1,8km, đảm bảo cho tàu thuyền có tải trọng đến 300 tấn đi lại thuận lợi và thông suốt; từ cửa Ninh Cơ, cửa Đáy các phương tiện có thể đi tới hầu hết các tỉnh ven biển phía Bắc và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Hệ thống giao thông đối nội được tổ chức liên hoàn với cấu trúc hỗn hợp giữa mạng hướng tâm và mạng ô cờ. Các tuyến đường khu vực có vai trò kết nối giao thông giữa các khu chức năng với các đường trục chính đô thị được thiết kế rộng từ 30-40m, vận tốc thiết kế từ 40-60km/giờ. Các tuyến đường nội khu rộng từ 22-25m hoặc có tiêu chuẩn cấp IV, cấp V đồng bằng. Các công trình đầu mối giao thông gồm nút giao thông; cầu, cống; bến xe... Trong đó quy hoạch xây dựng bến xe Đông Bình mới tại Khu công nghiệp Rạng Đông 2 gần với điểm đầu tuyến tỉnh lộ 488C với quy mô diện tích 10,75ha phục vụ cho các phương tiện giao thông đi lại vận tải hành khách của vùng và các khu vực khác kết hợp hệ thống kho bãi là nơi tập kết vận chuyển lưu trữ hàng hóa phục vụ sản xuất trong Khu công nghiệp Rạng Đông. Xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng, nước mưa được thu gom và thoát vào các hồ điều hòa của khu vực sau đó thoát ra Biển Đông, tại điểm thoát ra biển bố trí cống điều tiết để ngăn mặn; xây dựng 2 hồ điều hòa trong khu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 92ha, dung tích khoảng 2,8 triệu m3, các hồ này có nhiệm vụ điều hòa cho hệ thống thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho khu vực đồng thời trữ nước ngọt vào mùa mưa và cấp nước tưới vào mùa khô. Xây dựng một trạm cấp nước sạch tại phân khu đô thị dịch vụ thương mại tổng hợp về phía Bắc, công suất trạm 50 nghìn m3/ngày đêm, nguồn nước thô được lấy từ sông Đáy; mạng đường ống cấp nước sinh hoạt chung với mạng cấp nước chữa cháy, mạng đường ống vận chuyển, phân phối là mạng kín, bố trí dọc theo tuyến đường giao thông. Tổng công suất cấp điện cho khu vực khoảng 140 MVA; nguồn cấp từ các trạm biến áp: 110kV Nghĩa Hưng; 110kV Rạng Đông 1; 110kV Rạng Đông 2; Rạng Đông 3 và xây dựng đường dây trung thế ngầm 22KV từ các trạm cao thế dẫn đến các trạm hạ thế trong khu quy hoạch. Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng của 3 trạm xử lý nước thải có tổng công suất 31,1 nghìn m3/ngày đêm. Tổng khối lượng rác thải của khu quy hoạch khoảng 40 tấn/ngày đêm sẽ được thu gom toàn bộ về khu xử lý rác tập trung Rạng Đông; rác thải công nghiệp, nguy hại được đưa về nhà máy xử lý rác thải tại phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định). Hệ thống thông tin liên lạc gồm một chi cục viễn thông, một chi cục bưu chính và hệ thống mạng lưới đường cáp quang, hộp nối...

Đồng chí Phan Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Đồ án quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt là cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh. Đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững; là cơ hội để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng biển huyện Nghĩa Hưng nhằm thu hút đầu tư phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như sản xuất công nghiệp; dịch vụ thương mại; đô thị nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái biển; thể thao giải trí...

 Thời gian tới Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hưng và các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục của khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com