Cùng với những nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là một trong những “đòn bẩy” giúp bà con hộ nghèo và đối tượng chính sách ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Chị Vũ Thị Mơ, xóm Liên Thành vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trâu sinh sản từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng. |
Đồng chí Trần Thị Huyền Chang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã thực hiện hợp đồng ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng cho các hộ gia đình chính sách được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống và chăm lo cho con em có điều kiện ăn học. Hiện nay, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách của xã là 17,19 tỷ đồng uỷ thác qua Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Trong đó, riêng kênh Hội Phụ nữ đạt 14,25 tỷ đồng ở 12 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) với 408 hộ vay theo 6 chương trình vay vốn gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sửa chữa làm nhà ở. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,91%. Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giảm nghèo xã, Ngân hàng CSXH huyện cộng với sự cần cù chịu khó của người dân, Hội Phụ nữ xã đã thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” truyền tải vốn tín dụng ưu đãi đến từng hộ nghèo trên địa bàn xã. Hội đã tích cực xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy chi bộ, chính quyền thôn, xóm, tổ trưởng tổ TK và VV; rà soát và nắm chắc nhu cầu, đối tượng vay vốn, phân công các đồng chí Ban Thường vụ Hội theo dõi, trực tiếp đến các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn. Chính vì vậy, các chương trình cho vay từ nguồn vốn ưu đãi đối với các hộ vay vốn đều sử dụng có hiệu quả, nhiều hộ vay đã có điều kiện phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ lẻ đã phát triển xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, không chỉ thoát nghèo mà còn hỗ trợ giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác. Toàn xã không có nợ đọng, nợ quá hạn, thành viên vay vốn hiểu và nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia vay vốn. 100% thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đúng quy định, nhiều hộ vay làm ăn hiệu quả thoát nghèo bền vững. Chị Vũ Thị Mơ ở xóm Liên Thành vốn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, chị được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng làm vốn mua trâu gây dựng sinh kế. Từ 1 con trâu và 1 con nghé, nhờ chăm chỉ không quản mưa nắng chăm sóc, mỗi năm gia đình chị đều có thêm 1 con nghé. Kinh tế gia đình dần ổn định, tiền trả nợ gốc và lãi đều được gia đình chị trả đúng hạn. Nhờ thế khi có hướng phát triển kinh tế, chị lại tiếp tục đề nghị được vay thêm 25 triệu đồng đầu tư sửa sang chuồng trại cũ và mua thêm 2 con, nâng tổng đàn trâu trong nhà lên 10 con. Ngoài đàn trâu, gia đình chị còn nhận thêm 2 sào vườn để trồng cà chua cộng với diện tích đã có là 1,2 mẫu. Mỗi năm, gia đình chị thu về hơn 100 triệu đồng, thoát nghèo thành công. Còn đối với chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm 8, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã là “cứu cánh” của gia đình chị. Chị Hiền nhớ lại: Thời gian trước, gia đình tôi chuyển ra sống trên vùng đất thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả rộng ở cuối xóm 8. Lúc đó, chi phí cải tạo, xây dựng hạ tầng, đào đất, múc ao rất lớn nên đầu tư xong gia đình cũng cạn vốn. Được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện, anh chị đã được vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn, vịt và nuôi thả cá nước ngọt. Nhờ chăm chỉ, cần cù tích góp, qua nhiều năm, gia đình anh chị đã xây dựng được khu trang trại VAC rộng 3,5 mẫu với đàn lợn 5 con nái, hơn 100 con gà và 3.000 con vịt cùng 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt. Chị Hiền cho biết: Mới đây, gia đình tôi tiếp tục được Ngân hàng CSXH vay thêm 45 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Có thể nói, vốn tín dụng chính sách đã luôn đồng hành cùng gia đình tôi trong suốt chặng đường vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, bình quân mỗi tháng thu nhập từ trang trại của gia đình được 20 triệu đồng. Chắc chắn, năm nay, gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Hy vọng, vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục lan toả đến nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn để xã Nghĩa Thành không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, Hội Phụ nữ xã còn thực hiện tốt chỉ tiêu huy động tiết kiệm thông qua tổ TK và VV. Đến nay, đã có 12/12 tổ với 100% thành viên đang có dư nợ tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng với chỉ tiêu huy động mức thấp nhất từ 50 nghìn đồng trở lên. Số dư tiền gửi tiết kiệm đã đạt 872,1 triệu đồng. Với hình thức và mức huy động tiết kiệm này, đảm bảo người gửi không bị áp lực, e ngại, đồng thời hình thành thói quen tiết kiệm, góp nhỏ thành lớn trong những lúc khó khăn để khi đến hạn có một khoản tích luỹ để trả nợ gốc. Nhiều gia đình đang trong thời gian còn dư nợ nhưng đã tiết kiệm được 5-6 triệu đồng nên rất phấn khởi tạo động lực lao động kiếm thêm thu nhập.
Thời gian tới, xã Nghĩa Thành tiếp tục đẩy mạnh bổ sung nguồn vốn đối ứng địa phương thông qua hội, đoàn thể uỷ thác cho vay phát triển kinh tế ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách. Đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; giữ vững chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Đức Toàn