Với 72km bờ biển, kinh tế biển của tỉnh đa dạng các ngành từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến kinh doanh dịch vụ du lịch biển, khai thác hải sản; vận tải thủy ở 3 vùng (đất liền, cận bờ và xa bờ) nên đã phát sinh đa dạng các loại rác thải. Trước nguy cơ ô nhiễm đại dương trên toàn cầu cũng như trong nước, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hưởng ứng các chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường quản lý, xử lý rác thải vùng biển, nhưng mới chỉ quan tâm xử lý rác thải vùng đất liền; từng bước gia tăng xử lý rác thải vùng gần bờ; riêng vùng xa bờ còn bỏ ngỏ. Công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản thiếu chặt chẽ. Một số đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm, không đầu tư xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển; khuynh hướng khai thác kinh tế biển tận thu, thiếu quy hoạch bền vững cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tài nguyên biển. Bên cạnh đó, 4 sông chính là sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ, sông Đáy đều đổ ra biển. Trong khi công tác thu gom, xử lý chất thải (rác và nước thải), bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập dẫn tới lượng lớn rác thải vẫn đổ thẳng ra biển. Nguy hại hơn cả, rác thải nhựa luôn chiếm tỷ lệ lớn với các loại phao, xốp, nhựa, túi nilon… không thể phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nhiễm độc cho các loại hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ. Tuy vậy, việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển còn chưa thực sự được các ngành, các địa phương có biển quan tâm; chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa trên biển.
Rác thải nhựa trôi dạt vào kè biển xã Hải Triều (Hải Hậu). |
Để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa trên biển hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa đòi hỏi các ngành, các địa phương phải chung sức vào cuộc. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, huy động sự tham gia của người dân tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải có thành phần nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tỉnh; báo cáo, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách quản lý, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa trên biển. Nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thực hiện các quy hoạch, các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án... có liên quan đến tài nguyên môi trường biển và quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương ven biển kiểm soát chặt chẽ rác thải nhựa trên địa bàn, đặc biệt tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, rừng ngập mặn huyện Nghĩa Hưng và cộng đồng ngư dân ven biển; hướng dẫn và xử lý nghiêm các tàu thuyền thải bỏ ngư cụ, rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì công tác tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức của các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chợ; tổ chức ký bản cam kết không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; chỉ đạo các khu du lịch kiểm soát rác thải nhựa; tổ chức xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân huỷ tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông Vận tải tổ chức chương trình truyền thông, hướng dẫn thuyền trưởng, chủ tàu thuyền chủ động thực hiện công tác thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển; kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý chất thải của chủ tàu thuyền, doanh nghiệp cảng biển, các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền; có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm. Sở Xây dựng kiểm soát chặt việc tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, xây dựng các khu du lịch biển, xây dựng các điểm xử lý chất thải rắn tập trung khu vực ven biển. Ngay trong năm 2020, các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng tập trung triển khai các biện pháp nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, quán nước ven biển, du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ bừa bãi ngư cụ xuống biển đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển và xả thải chất thải nhựa vào nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; công khai danh tính những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa ra biển.
Trong lộ trình dài hơi, các huyện có biển đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long, khu du lịch sinh thái biển Nghĩa Hưng một năm hai lần; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng. Tăng cường đầu tư hệ thống thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường vùng ven biển; tăng cường tuyên truyền, kêu gọi và tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, các khu du lịch ven biển, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2025 phấn đấu: Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiếu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc quan trắc hàng năm và tiến hành đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy)./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy