Liên kết theo chuỗi giá trị - Hướng đi bền vững trong phát triển chăn nuôi

08:02, 05/02/2020

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đòi hỏi về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của thị trường, việc đổi mới phương thức chăn nuôi và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi tỉnh ta đang hướng tới để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển chăn nuôi bền vững.

Việc liên kết chuỗi với các trang trại chăn nuôi lợn đã giúp Công ty TNHH Thuận Thành (thành phố Nam Định) có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất xúc xích cung cấp cho thị trường.
Việc liên kết chuỗi với các trang trại chăn nuôi lợn đã giúp Công ty TNHH Thuận Thành (thành phố Nam Định) có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất xúc xích cung cấp cho thị trường.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai hình thức liên kết trong chăn nuôi, đó là liên kết dọc theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng và liên kết ngang giữa các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ; còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất trên đất đai của họ. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Việc phát triển chăn nuôi theo hình thức này, hầu hết các chủ trang trại đều có lãi do không phải lo đầu ra cho sản phẩm và giá bán luôn ổn định; sau một thời gian các chủ trang trại chăn nuôi đều học hỏi và tiếp cận các công nghệ kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để áp dụng trong sản xuất khi hết hợp đồng gia công như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… Nhờ đó đã giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Công ty TNHH Thuận Thành (thành phố Nam Định) đã liên kết với các trang trại tại 2 xã Xuân Thượng, Xuân Ngọc (Xuân Trường) phát triển chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn và truy xuất nguồn gốc. Công ty hỗ trợ các trang trại một phần tiền mua con giống, thức ăn chăn nuôi; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với chủ trang trại thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động tiêm phòng, xử lý môi trường chuồng nuôi... Trang trại của ông Nguyễn Văn Toán ở xã Xuân Thượng là một trong những trang trại chăn nuôi đầu tiên tham gia liên kết với Công ty TNHH Thuận Thành. Ông Toán cho biết, được Công ty hỗ trợ, ông đã đầu tư nuôi trên 1.000 đầu lợn/lứa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAHP). Toàn bộ nguồn lợn giống, thức ăn đều được ông nhập của các doanh nghiệp có uy tín nên dễ dàng kiểm soát chất lượng. Do đó, đàn lợn nuôi luôn an toàn, lớn nhanh, lợn thịt được Công ty thu mua với giá bán theo hợp đồng... Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển chăn nuôi, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 107 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, tăng 64 doanh nghiệp, với tổng vốn sản xuất, kinh doanh là 5.500 tỷ đồng, tăng 149% về số doanh nghiệp và 51,2% về vốn sản xuất, kinh doanh so với 2014. Doanh thu thuần bình quân một doanh nghiệp đạt 8,5 tỷ đồng/năm. Sự tham gia của các doanh nghiệp tạo thêm động lực thức đẩy kinh tế trang trại nói chung, trang trại chăn nuôi nói riêng của các địa phương phát triển. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 641 trang trại, trong đó có 267 trang trại chăn nuôi; 9 trang trại đã được cấp chứng nhận (VietGAHP). Các trang trại ngày càng tăng về quy mô, tích cực đầu tư máy móc và ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất có hiệu quả và kết nối với các doanh nghiệp, HTX. Điển hình như: Mô hình liên kết giữa Công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông và các trang trại chăn nuôi trong tỉnh; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh… Thông qua những mô hình này đang từng bước hình thành lực lượng lao động nông nghiệp mới có tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chăn nuôi được tái cơ cấu theo hướng phát triển trang trại, gia trại tập trung; hình thành các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất quy trình tiên tiến. Một số công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… được áp dụng nhanh trong các trang trại, gia trại. Nhờ đó đã giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần quản lý tốt dịch bệnh và chất lượng đàn lợn đực giống, cải tạo chất lượng đàn vật nuôi ngay từ khâu con giống. Đối với mô hình liên kết ngang trong chăn nuôi được hình thành khi người sản xuất và đơn vị kinh doanh là các hợp tác xã, tổ hợp tác… liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình, xã viên phát triển. Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh cung cấp các dịch vụ sản xuất đầu vào và đầu ra cho các hộ xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu. Mô hình HTX có tư cách pháp nhân, nếu được tổ chức chặt chẽ sẽ giúp xã viên có thu nhập chủ động theo những đóng góp của mình. Còn mô hình liên kết theo nhóm hộ, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội, hiệp hội… chủ yếu nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, bước đầu đã mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Điển hình cho mô hình này có thể kể đến HTX Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) đã được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết đến nhờ có sản phẩm thịt lợn được sản xuất theo quy trình sạch, khép kín và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Anh Nguyễn Việt Hùng ở thôn Nam Sơn là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chăn nuôi Yên Lợi cho biết: Hiện nay, HTX có 8 thành viên và thường xuyên duy trì số đầu lợn từ 1.000-1.200 con/lứa. Ngoài việc thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, các thành viên còn thống nhất thực hành chăn nuôi theo quy trình nuôi sạch. Theo đó, các công đoạn sản xuất từ phối trộn thức ăn đảm bảo đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến quá trình chăm sóc đàn lợn con, lợn thịt và xử lý môi trường chuồng nuôi đều phải được thực hiện khép kín, nhất là nguồn chất thải, nước thải, phế phẩm chăn nuôi không được thải ra môi trường. Toàn bộ nguồn thức ăn cho lợn đều được các thành viên HTX nhập từ các cơ sở sản xuất cung cấp thức ăn có uy tín, bảo đảm an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp vật nuôi tiêu hóa và tăng trọng tốt... Nhờ đó, hiệu quả sản xuất của HTX hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây, chăn nuôi của các hộ thành viên luôn bảo đảm an toàn trước tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp hiện nay.

Thực tế cho thấy, liên kết và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi giá trị là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là xu thế phát triển tất yếu để đảm bảo hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, các mô hình liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị của tỉnh ta mới chỉ bước đầu hình thành, trong khi đòi hỏi của người tiêu dùng về sản phẩm ngày càng cao. Vì vậy, các cấp, các ngành và người chăn nuôi cần nâng cao nhận thức về tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển, cũng như xử lý, điều chỉnh kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình vận hành các chuỗi liên kết này nhằm duy trì chuỗi bền vững, bảo đảm quyền lợi các bên tham gia./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Trang home Mèo Cưng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com