Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

08:02, 14/02/2020

Những năm qua, tỉnh ta đã huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh đã cơ bản đảm bảo tính kết nối. Chẳng hạn, thời gian di chuyển từ Nam Định đến Hà Nội chỉ còn 1 giờ, đến sân bay Nội Bài chỉ mất 1 giờ 40 phút; đến cảng Hải Phòng chỉ mất 1 giờ 30 phút. Sắp tới, khi tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường trục phát triển kinh tế biển sẽ rút ngắn thời gian kết nối từ Nam Định tới cao tốc Bắc Nam chỉ còn 30 phút. Dự kiến trong quý I năm 2020, sẽ thông xe cầu Thịnh Long; triển khai đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối 7 tỉnh, trong đó đoạn qua Nam Định dài 65,8 km mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư với tổng vốn 2.850 tỷ đồng, dự kiến sau 2 năm công trình hoàn tất đưa vào sử dụng, sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Nghĩa Hưng (vùng giữa tỉnh) ra cảng Hải Phòng còn 40 phút; thời gian di chuyển từ phía tây tỉnh (điểm liền kề Nam Định - Ninh Bình) chỉ còn 20 phút. Hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đang dần hoàn thiện hơn với một loạt công trình đang được đầu tư xây dựng gồm: KCN Dệt may Rạng Đông gần 600ha; các CCN  Đồng Côi (Nam Trực) 15ha, Thịnh Lâm (Giao Thủy) 20ha, Xuân Tiến (Xuân Trường) 15ha, Hải Vân (Hải Hậu) trên 10ha. Trong năm 2020 sẽ triển khai xây dựng 4 CCN với tổng diện tích xấp xỉ 130ha gồm: Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Thanh Côi (Vụ Bản), Yên Bằng, Yên Dương (Ý Yên).

Hạ tầng giao thông huyện Hải Hậu được xây dựng theo hướng kết nối, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hạ tầng giao thông huyện Hải Hậu được xây dựng theo hướng kết nối, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các công trình đã hoàn thiện và đang xây dựng, tỉnh đã xây dựng kế hoạch huy động, bố trí khoảng 177.467,4 tỷ đồng tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, dự kiến đến năm 2030. Trong đó từ nay đến năm 2025 sẽ bố trí khoảng 84.361,5 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế, gồm: Tập trung chỉ đạo khởi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định; tích cực hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư các dự án khu, CCN đã được quy hoạch theo hình thức xã hội hoá; đẩy mạnh đầu tư hệ thống công trình thương mại gồm 1 trung tâm Hội chợ - Triển lãm tại khu vực phường Lộc Hoà, siêu thị tổng hợp hạng I khu vực phía nam sông Đào, xây dựng khu phức hợp vui chơi giải trí và đô thị thông minh trên địa bàn thành phố, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng hệ thống thương mại dịch vụ tại khu vực các đô thị Thịnh Long, Rạng Đông, Quất Lâm; đầu tư xây dựng hạ tầng logistic tại khu vực nút giao Cao Bồ (thuộc đô thị mới 4 xã Ý Yên) và cảng biển Thịnh Long. Tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống công trình dịch vụ du lịch gồm Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử văn hoá thời Trần; cải tạo, nâng cấp khu quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); đầu tư xây dựng khu du lịch văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản). Kêu gọi, thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình lưu trú, khu quảng trường, khu dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ); đầu tư xây dựng các khu lưu trú, khu nghiên cứu phục vụ tham quan nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học tại vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ); đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Về hạ tầng xã hội tập trung thực hiện Chương trình phát triển nhà ở toàn tỉnh; các chương trình cải tạo, tái thiết đô thị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các khu đô thị mới, khu dân cư mới đã được chấp thuận đầu tư; phát triển các khu dân cư đô thị tại các địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá - thể dục thể thao. Giai đoạn 2026-2030 sẽ bố trí khoảng 93.105,9 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm: Đầu tư xây dựng trụ sở Thành uỷ - HĐND - UBND thành phố tại vị trí mới. Đẩy nhanh tiến độ thủ tục, án xây dựng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tại vị trí mới. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tại khu đô thị Mỹ Trung để di chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đầu tư xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hoá - thể thao cấp huyện và cấp đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử văn hoá thời Trần. Tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đặc biệt chú trọng lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, Sở KH và ĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan huy động tổng hợp nguồn lực thực hiện mục tiêu; xem xét, đề xuất triển khai đầu tư những dự án có điều kiện, cần thiết phải đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP, xã hội hóa; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, hướng dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các sở, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan để đẩy mạnh thu hút vốn, triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch. Sở TN và MT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm đảm bảo quỹ đất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Sở GTVT chủ trì rà soát các dự án hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kế hoạch của ngành, lập kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện triển khai đồng bộ; chủ trì, tham mưu UBND tỉnh để tiếp tục kiến nghị với Trung ương có kế hoạch và cơ chế thu hút đầu tư triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường bộ ven biển, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com