Theo quy định của Luật Đất đai, đối với những trường hợp quy hoạch treo cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố hủy bỏ quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn có những quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới... “treo” đến hàng chục năm vẫn chưa được các địa phương xử lý. Thực trạng này không chỉ lãng phí tài nguyên vì đất bị bỏ hoang mà các hộ dân sống trong vùng quy hoạch cũng khổ vì không được phép sửa chữa, xây dựng lại và gặp nhiều vướng mắc khi tiến hành mua bán, chuyển nhượng nhà đất.
Nguyên nhân tồn tại các quy hoạch treo một phần do khâu lựa chọn các nhà đầu tư chưa được chú trọng đúng mức; không ít nhà đầu tư được chọn thiếu năng lực thực hiện dự án, làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng thực hiện dự án, khiến nhiều dự án bị “bỏ hoang”. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng còn chưa chặt chẽ, thậm chí đã phát hiện sai phạm nhưng không khẩn trương xử lý, gây hậu quả phức tạp, nặng nề. Đặc biệt nguyên nhân chính gây ra nhiều dự án treo là do chất lượng lập quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch của các địa phương trong tỉnh còn hạn chế dẫn tới tình trạng nhiều quy hoạch treo lâu năm, không còn phù hợp. Cụ thể, theo định hướng tại quy hoạch chung thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố được lập và phê duyệt từ năm 2013-2015 với mục tiêu điều chỉnh các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trong thời kỳ trước đó. Theo hệ thống quy hoạch cũ của thành phố có một số tuyến đường được quy hoạch mới hoặc mở rộng để đảm bảo vai trò kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn lực kinh tế nên chưa thực hiện được quy hoạch dẫn đến có quy hoạch treo. Để khắc phục tình trạng này, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Nam Định công bố công khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các phường đã được lập và phê duyệt từ năm 2013-2015 để người dân nắm rõ. UBND thành phố Nam Định đã ban hành quy trình xóa “quy hoạch chấm cát” đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của những hộ dân sau khi đã được điều chỉnh quy hoạch (thửa đất không còn vi phạm quy hoạch nữa). Tình trạng quy hoạch treo trên địa bàn đã giảm đáng kể, có phường cơ bản không còn quy hoạch treo. Thành phố cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm thủ tục đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bỏ “chấm cát” khi thay đổi quy hoạch, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân, đảm bảo quyền lợi trong quá trình sử dụng cũng như giao dịch quyền sử dụng đất.
Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổ chức rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng hạn chế tình trạng “quy hoạch treo”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Hiện nay UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tham mưu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo chất lượng, có tính bền vững, tầm nhìn dài hạn để phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế và khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch phải dựa trên cơ sở khoa học, các nghiên cứu về phát triển đô thị, nhất là phải đáp ứng được ưu tiên hàng đầu, quy hoạch phải là yếu tố góp phần đưa thành phố Nam Định đạt mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình lập, điều chỉnh các quy hoạch, Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương liên quan rà soát, giảm tối đa “quy hoạch treo”. Các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, nhất là công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quản lý và thực hiện quy hoạch. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch, nhất là các dự án có sử dụng đất; đảm bảo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định và công khai các thông tin về quy hoạch để nhân dân biết và giám sát. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch theo Kết luận 43-KL/TU ngày 22-8-2018 và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17-7-2012 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Căn cứ vào nhu cầu xã hội, yêu cầu phát triển để lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng; đẩy mạnh thu hút lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực khả thi đầu tư vào các vùng, lĩnh vực đã được quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo./.
Thanh Thúy