Mặc dù còn nhiều khó khăn song Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Góp phần vào những thành tựu đó có vai trò quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng.
Một góc thành phố Nam Định. |
Công tác quy hoạch xây dựng tiếp tục được xác định là khâu đột phá quan trọng giúp kiến thiết đô thị, nông thôn, góp phần tạo ra các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, có sức thu hút đầu tư. Quy hoạch là công cụ quan trọng của công tác quản lý Nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, đồng thời là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựngnhững chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm tạo nền tảng, cơ sở để thực hiện tốt các chiến lược phát triển trong tương lai. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2019, để đáp ứng yêu cầu phát triển, thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch trọng tâm nhằm định hướng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Những tháng đầu năm 2019, Sở đã thẩm định và trình UBND tỉnh điều chỉnh một số đồ án quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh: quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận tỷ lệ 1/500; quy hoạch phân khu xây dựng phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định tỷ lệ 1/2.000; Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên)… Các quy hoạch đều được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Đồng thời góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hoà với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hoá nông thôn. Ngoài các quy hoạch đã hoàn thành, Sở Xây dựng đã thực hiện và hoàn thành 2 đồ án quy hoạch trọng tâm là quy hoạch khu chức năng đặc thù phía nam đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đến năm 2040 và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố Nam Định đến năm 2040 sẽ gồm: toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay; huyện Mỹ Lộc; 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành (Vụ Bản) và 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An (Nam Trực) với tổng diện tích khoảng 187,99km2. Thành phố Nam Định có tính chất là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch của vùng nam đồng bằng sông Hồng, có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội; là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Về tổng thể, thành phố Nam Định được định hướng phát triển theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu sang phía tây và tây bắc khu vực huyện Mỹ Lộc để phát triển các khu vực đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và đầu mối giao thông trung chuyển hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hướng phát triển thứ hai về phía nam và đông nam thành phố (về các xã thuộc thành phố và huyện Nam Trực), dọc trục vành đai 1 và trục mới song song với Quốc lộ 21 hướng đi xuống phía nam: phát triển đô thị sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, sinh thái. Trên cơ sở về địa hình, cảnh quan tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, giao thông và các dự án đã, đang hình thành, quy hoạch điều chỉnh mới cho thành phố Nam Định mở rộng sẽ gồm 8 khu vực phát triển chính là khu trung tâm đô thị hiện hữu; khu vực phát triển đan xen phía nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu đô thị dịch vụ thương mại phía tây bắc thành phố; khu trung tâm cửa ngõ phía tây đường vành đai 1; khu đô thị mới phía nam sông Đào; khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía tây thành phố; khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía nam và phía tây sông Châu Giang; khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía nam thành phố. Nếu như quy hoạch thành phố Nam Định điều chỉnh là bước mở rộng khẳng định tầm vóc và vị thế của một đô thị trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh và cả vùng nam đồng bằng sông Hồng thì quy hoạch khu chức năng đặc thù phía nam đô thị Rạng Đông với tính chất là khu chức năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng trọng tâm, chuyên sâu về công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế biển; là trung tâm du lịch biển, dịch vụ giải trí của tỉnh và cả nước, phát triển năng động, có môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch, khu chức năng đặc thù phía nam đô thị Rạng Đông có tổng diện tích khoảng 4.896ha (diện tích đất liền khoảng 3.714ha và diện tích quy hoạch khai thác mặt nước biển khoảng 1.182ha). Đến năm 2040, tại khu vực này sẽ hình thành các khu chức năng gồm khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ (diện tích khoảng 808,4ha, gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Rạng Đông giai đoạn II); khu đô thị dịch vụ, thương mại tổng hợp (diện tích khoảng 1.380,9ha hướng tới trở thành khu đô thị du lịch đồng bộ, hiện đại); khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn (có diện tích 1.777,8ha); khu du lịch sinh thái cửa sông Đáy (có diện tích khoảng 153ha); khu du lịch sinh thái biển (có diện tích gần 776ha). Hệ thống giao thông của khu vực quy hoạch kết nối đồng bộ với hệ thống đường bộ, đường thủy liên hoàn. Về giao thông đường bộ có các đường đối ngoại, trục chính của Khu công nghiệp Rạng Đông và đường trục chính đô thị gồm các tuyến xuyên tâm, liên kết các khu phát triển của đô thị rộng từ 44-68m, dải phân cách giữa rộng 3-15m, vỉa hè rộng từ 10-14m, gồm 6-12 làn xe chạy với vận tốc thiết kế từ 60-80km/giờ. Phát triển tuyến đường thủy sông Đáy với chiều dài 1,8km; quy mô đường thủy cấp V đảm bảo tàu có tải trọng đến 3.000 tấn lưu thông thuận lợi từ cửa sông Ninh Cơ, sông Đáy tới các tỉnh ven biển phía Bắc và đi các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo các chuyên gia xây dựng, hai đồ án quy hoạch nêu trên có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Với tầm vóc một đô thị văn minh, hiện đại ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đã đảm bảo mục tiêu, vừa phát huy được những giá trị trầm tích của một đô thị cổ trên 100 năm tuổi vừa có không gian để mở rộng phát triển các công trình mới theo hướng hiện đại, văn minh. Còn khu chức năng đặc thù phía nam đô thị Rạng Đông vừa là điểm nhấn phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực khi nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ, là thế mạnh để tỉnh ta tăng cường công tác thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực như du lịch, sản xuất công nghiệp, kinh tế biển... Với việc hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng tâm trong năm 2019 là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành Xây dựng tỉnh ta có nhiều cơ hội góp phần xây dựng kiến thiết quê hương Nam Định giàu mạnh, thịnh vượng, tăng trưởng xanh bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung