Đầu tư tăng năng lực khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp không thích ứng nhanh, tích cực đổi mới công nghệ sẽ bị tụt hậu giảm sức cạnh tranh và khó có thể tồn tại. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực nhiều mặt còn hạn chế nên chậm đổi mới kỹ thuật công nghệ không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sản xuất bánh kẹo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình, Cụm Công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). |
Từ năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ đổi mới sáng tạo tỉnh; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng theo quy định của Chính phủ... Những quy định này có nhiều đổi mới về phương thức hỗ trợ, thủ tục thanh, quyết toán, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ tài chính, tham gia thị trường khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong tháng 7-2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa vào vận hành thử nghiệm Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh với tên miền: https://ndtex.vn, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 41 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; 7 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP; 15 đơn vị áp dụng công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S; hỗ trợ một số đơn vị đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia, trong đó có 1 doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược đạt giải thưởng Chất lượng châu Á Thái Bình Dương. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư mạnh cho đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương… Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà với nền tảng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm trong ngành dược cả nước đã tích cực đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu nguyên liệu - sản xuất đến cung ứng, phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp ngành dệt may như Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, một số nông sản chủ lực đã được công nhận và bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, điển hình là cá bống bớp Nghĩa Hưng, ngao Giao Thủy, nước mắm Ngọc Lâm, nước mắm Sa Châu…
Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay vẫn còn không ít trở ngại. Nguyên nhân chủ quan do hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực kinh tế, trình độ và năng lực hoạch định phương án đổi mới công nghệ phù hợp với lộ trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp ngại đổi mới công nghệ do doanh thu vẫn nằm trong vòng kiểm soát, vẫn đem lại lợi nhuận nên chưa thấy được vai trò của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Về nguyên nhân khách quan, thủ tục để được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước còn rườm rà nên chưa tạo sức hút lớn, đột biến để thúc đẩy các doanh nghiệp quyết liệt đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và cung ứng dịch vụ ứng dụng, phát triển công nghệ như các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn “đầu đàn” chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chuỗi cung và cầu công nghệ còn nhiều hạn chế, thiếu thông suốt. Thị trường khoa học công nghệ ở địa phương chậm phát triển nên doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn cũng như chưa tạo áp lực cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, các cấp và các ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao nhận thức; tăng cường công tác đánh giá và quản lý công nghệ; phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ. Trước mắt tập trung xây dựng chính sách, các quy định, lộ trình thúc đẩy đổi mới công nghệ; xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ đổi mới công nghệ; triển khai các chương trình hoạt động hỗ trợ ứng dụng tạo đòn bẩy xúc tiến thúc đẩy đổi mới công nghệ của tỉnh. Về lâu dài, thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo các giải pháp cải tiến, ứng dụng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bằng khoa học kỹ thuật để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tự thân có nhu cầu đầu tư đổi mới, tăng hàm lượng chất xám trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung đổi mới công nghệ đúng quan điểm chung của tỉnh, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm của tỉnh và mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh