Phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại

07:11, 11/11/2019

Xúc tiến thương mại giữ vị trí quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và trở thành đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn yếu ở khâu xúc tiến thương mại nên sản phẩm khó tiếp cận với người tiêu dùng. Để khắc phục hạn chế này, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thành viên đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành phố.

Sản phẩm giò nóng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Phát (thành phố Nam Định) trưng bày tại hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Nam Định.
Sản phẩm giò nóng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Phát (thành phố Nam Định) trưng bày tại hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Nam Định.

Hạn chế của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề trong việc đưa sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thành viên là quy mô nhỏ, không có chiến lược lâu dài cũng như kỹ năng về quảng bá, giới thiệu sản phẩm; chưa được tiếp cận sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tham gia hội chợ thương mại… Để hỗ trợ người sản xuất khắc phục hạn chế này, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề đã đổi mới phương thức tổ chức, tham gia xúc tiến thương mại theo hướng kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để cùng lúc có thể tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm cùng lúc, từ đó đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị trước, trong từng sự kiện, tìm hiểu những đối tác tham gia và chuẩn bị kỹ cho các doanh nghiệp trước khi diễn ra sự kiện; hướng dẫn tư vấn, tập huấn kỹ năng tham gia hội chợ cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tìm hiểu, nắm bắt thông tin các chương trình hỗ trợ của các ngành chức năng để tổ chức đi các tỉnh giới thiệu sản phẩm. Với cách làm này các cơ sở sản xuất nhỏ có sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm đều được động viên tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. Như vậy, thay vì các cơ sở sản xuất tự đăng ký tham gia xúc tiến thương mại, tự tổ chức gian hàng thì các hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề đại diện tham gia và mang sản phẩm của các đơn vị thành viên theo. Do đó năm 2019, mặc dù nguồn ngân sách Nhà nước dành cho xúc tiến thương mại của tỉnh vẫn ổn định nhưng số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm hàng hóa được tham gia đã tăng lên đáng kể. Đồng chí Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định cho biết: Hiệp hội có gần 40 thành viên, căn cứ tính chất của mỗi hội chợ thương mại hay chương trình kết nối cung - cầu, ban tổ chức lựa chọn doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa tham dự để phát huy tối đa hiệu quả quảng bá giới thiệu nông sản. Ban tổ chức có trách nhiệm vận chuyển, trưng bày, giới thiệu tất cả sản phẩm của các thành viên trong hiệp hội và tư vấn trực tiếp khi gặp đối tác. Trung bình mỗi thành viên có thể tham gia khoảng 10 hội chợ thương mại mỗi năm thay vì chỉ tham gia một hoặc hai hội chợ như trước đây. Gian hàng tham gia hội chợ của Hiệp hội ngày càng có trọng tâm, trọng điểm và là địa chỉ thu hút khách hàng tham quan mua sắm, ký hợp đồng cung ứng sản phẩm. Ngay sau mỗi hội chợ, phần lớn doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội đã ký được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác. Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy), Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy), Công ty Cổ phần Muối Nam Định… Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ, thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) cho biết: Cơ sở của gia đình tôi tham gia sản xuất từ lâu nhưng chưa có cơ hội tham gia các hội chợ thương mại vì quy mô nhỏ, ít lao động, lại chưa có kinh nghiệm giao dịch, bảo quản sản phẩm. Được Hợp tác xã hỗ trợ mang sản phẩm đi giới thiệu mà cơ sở không phải cử người đi theo, không phải chi phí lớn cho việc thuê gian hàng mà vẫn có người hỗ trợ giới thiệu sản phẩm nên chúng tôi rất vui. Ngay sau khi tham gia một số hội chợ thương mại, nhiều nơi biết đến sản phẩm tinh bột nghệ của cơ sở hơn; tôi cũng nhận được nhiều góp ý của khách hàng để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời có ý thức hơn về việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình cũng như sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Việc đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị thành viên xúc tiến thương mại của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề đang là hướng đi đúng, hiệu quả để tiếp thị nông sản đến người tiêu dùng, giúp mở rộng thị trường cho nông sản địa phương trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thành viên tham gia xúc tiến thương mại, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề cần bám sát các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành, của tỉnh và Trung ương; chuẩn bị chu đáo từ sản phẩm mẫu trưng bày, thông tin giới thiệu; đặc biệt là khâu chuẩn bị nhân sự tham gia hội chợ. Nâng cao kỹ năng sắp xếp gian hàng; tư vấn, giới thiệu sản phẩm của người phụ trách gian hàng. Chủ động đầu tư cho công tác truyền thông, quảng bá tại hội chợ theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và những điều kiện để giao dịch thành công./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com