Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-6-2019, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc do tỉnh Nam Định đăng cai tổ chức. |
Sau bước ký kết, Hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam để chính thức có hiệu lực với hai bên. Về phía EU, dự kiến đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét EVFTA. Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh sẽ hưởng lợi lớn như dệt may, hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ... Cùng với cơ hội thì các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trên các lĩnh vực: Đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa; tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường; các hàng rào phi thuế quan (kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm) của các nước EU. Để chủ động khai thác các cơ hội, thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết EVFTA, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về EVFTA và đặc điểm thị trường của các nước tham gia EVFTA. Phối hợp với Văn phòng Trung ương Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về EVFTA cho 300 đại biểu là cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến các nội dung cam kết của Hiệp định; trong đó chú trọng phân tích thông tin hàng hóa Việt Nam có thể vào được ngay EU khi mở cửa hàng rào thuế quan 100% nhưng rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp tỉnh ta để có thể tranh thủ được cơ hội này là trình độ công nghệ, quản trị, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hàng rào phi thuế quan - tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa bởi đây là thị trường khó tính, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra Sở Công Thương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành tổ chức cho 28 lượt doanh nghiệp tham gia 7 hội chợ thuộc các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, tham gia các hội nghị, hội thảo về tác động của hội nhập quốc tế đến các ngành hàng sản xuất chủ lực của địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tư vấn truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh hiện đại, tham gia thị trường toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa trong sản xuất một số ngành hàng có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU. Năm 2019, các ngành đã tập trung hỗ trợ Hiệp hội nông sản sạch tỉnh thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hiệp hội nông sản sạch tỉnh Nam Định”; hướng dẫn 4 doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa, 2 doanh nghiệp thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm hàng hóa theo quy định và 4 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch; xây dựng, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho 195 sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may công bố sản phẩm hợp quy theo quy định; hỗ trợ đăng ký bảo hộ 20 nhãn hiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương. Do lực lượng doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế nên tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình đề án khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm. Các ngành, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi, chú ý từ công đoạn nguyên liệu, chế biến cho đến đảm bảo đầu ra sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu, uy tín chất lượng của tỉnh. Tổ chức bình chọn 36 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, trong đó có 3 sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia. Tập trung tư vấn, hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện 36 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1; trong đó có 19 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian tới, các ngành, các địa phương tăng cường phổ biến thông tin liên quan đến EVFTA và hướng dẫn những quy định liên quan của EU đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển những sản phẩm đã xuất khẩu được vào EU như ngao sạch. Đẩy mạnh thu hút và giữ chân nhà đầu tư đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt may, tham gia chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến cáo các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao, quan tâm đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cắt giảm chi phí đến mức tối đa để tạo cơ hội gia nhập thị trường EU cũng như thị trường toàn cầu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy