Thời gian qua, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của tỉnh được xử lý theo phương pháp chôn lấp một phần và đốt bằng lò đốt quy mô nhỏ; còn tại thành phố Nam Định được tập trung xử lý ở Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa theo phương thức chôn lấp. Tuy nhiên hầu hết khu vực đặt lò đốt rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật về điện, nước; người vận hành hạn chế về trình độ nên không đạt yêu cầu kỹ thuật khi xử lý, dẫn đến phát sinh nguồn gây ô nhiễm. Công tác vận hành các bãi chôn lấp rác thải chưa áp dụng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình xử lý rác, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do mùi hôi, nước rác thấm chảy xuống kênh mương thủy lợi; riêng bãi chôn lấp rác thải của thành phố Nam Định đã gần hết công suất. Để giải quyết những bất cập trên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt.
Phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang (Nam Trực). |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Nam Trực đã tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật; phân công cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác. Nhờ đó, từ năm 2018 huyện đã thu hút Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường xanh Nam Trực đầu tư dự án xây dựng “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” trên diện tích 3,2ha tại thị trấn Nam Giang. Nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt trong nước đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn, công suất xử lý rác đạt 180 tấn/ngày; trong đó bao gồm 120 tấn rác thải công nghiệp thông thường, 60 tấn rác thải sinh hoạt. Theo chủ trương đầu tư xây dựng được phê duyệt, ngoài phần rác thải chỉ có thể đốt bỏ, Công ty sẽ tích cực tái sử dụng; rác thải nhựa được tái chế với công suất 11 nghìn tấn/năm; sản xuất gạch babanh công suất 2,4 triệu viên/năm; sản xuất phân vi sinh công suất 8.000 tấn/năm; sản xuất viên đốt RPF công suất 4.500 tấn/năm. Đến nay, dự án của Công ty đã đi vào hoạt động góp phần giải quyết tình trạng rác tồn đọng và dừng việc chôn lấp rác thải của các bãi xử lý tập trung ở 5 xã, thị trấn gồm: Nam Dương, Nam Mỹ, Hồng Quang, Tân Thịnh, Nam Giang. Nhằm khắc phục bất cập của hệ thống lò đốt rác thải công suất nhỏ đầu tư trước đây tại 14 xã trên địa bàn, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thêm 3 đến 4 nhà máy công suất lớn để xử lý rác thải theo hướng liên vùng.
Về dự án xử lý rác thải cho thành phố Nam Định, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đến nay tỉnh đã lựa chọn, phê duyệt chủ trương đầu tư của Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định, nhà đầu tư đảm bảo các yêu cầu về năng lực tài chính, đã đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại hai tỉnh Hậu Giang, Thái Bình. Theo Quyết định số 2322 ngày 20-10-2019 của UBND tỉnh, chủ đầu tư sẽ hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác thải quy mô 5ha tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) trong thời gian khoảng 18 tháng (tức vào cuối tháng 4-2021). Nhà máy sẽ xử lý rác thải chưa qua phân loại theo công nghệ đốt thân thiện với môi trường, có thu hồi năng lượng với công suất 250 tấn/ngày đêm và có khả năng mở rộng, nâng công suất xử lý rác thải. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định cam kết sẽ tiếp nhận lượng rác thải phát sinh ngay khi bãi chôn lấp rác hiện tại của thành phố hết công suất (dự kiến vào tháng 4-2020).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương liên quan đang tập trung phối hợp chặt chẽ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý đồng bộ thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng dự án. Công ty phấn đấu hoàn tất các thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt phương án giá dịch vụ trong tháng 11; dự kiến đầu năm 2020 thành phố Nam Định sẽ hoàn tất ký hợp đồng thu gom rác để xử lý với doanh nghiệp... Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định cam kết đảm bảo tiến độ đầu tư, thi công dự án như quyết định chủ trương đầu tư UBND tỉnh đã phê duyệt, sớm đưa công trình vào vận hành, xử lý rác theo hướng thân thiện, đảm bảo môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy