Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Xuân Trường đã tập trung quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vùng chuyển đổi chăn nuôi, nuôi thủy sản; chú trọng đổi mới cơ cấu giống lúa, nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo đảm bảo chất lượng từ khâu lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 của tất cả các xã, thị trấn; thực hiện công khai và xây dựng quy chế quản lý quy hoạch theo quy định. Cùng với đó, huyện hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức công khai để nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp biết, chủ động tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển; các xã, thị trấn tiến hành kiến thiết chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tích tụ ruộng đất để sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thu hút các nguồn lực mạnh đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó đến nay huyện đã hình thành, duy trì sản xuất 80 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 3.000ha; trong đó có 10 cánh đồng lớn với diện tích 300ha liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Hình thành 2 mô hình liên kết sản xuất lúa giống quy mô 70ha tại các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Trực Ninh) với các hộ nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ; mô hình liên kết sản xuất giống lúa lai F1, quy mô 35ha tại xã Xuân Ninh giữa Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường với nông dân địa phương và một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống khác; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp trồng cây dược liệu, rau các loại với quy mô 42ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng; mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) với nông dân xã Xuân Phong để sản xuất lúa chất lượng cao thương phẩm, quy mô 10ha, cho hiệu quả cao hơn 1,5 lần so với sản xuất lúa thông thường... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 29 hộ nông dân thuê mượn, tập trung ruộng với tổng diện tích 185ha để sản xuất lúa hàng hóa cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 tấn gạo mỗi năm. Cùng với việc tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, việc cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản nông sản cũng được đẩy mạnh; sử dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật đang được áp dụng bước đầu cho hiệu quả tốt; kỹ thuật cấy máy, gieo sạ bằng công cụ hàng rộng - hàng hẹp trong vụ xuân tăng dần qua các năm, đến nay đã đạt trên 80% diện tích, một số địa phương đạt 100% diện tích gieo sạ như: Xuân Châu, Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Hồng, Xuân Thủy, Xuân Phong... Trong lĩnh vực chăn nuôi, phương thức chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp phát triển nhanh chóng. Hiện nay, toàn huyện có 39 trang trại và 328 gia trại chăn nuôi, tăng 238 trang trại, gia trại so với năm 2014; trong đó có 1 trang trại nuôi lợn được cấp chứng nhận VietGAHP và 20 trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại, gia trại đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chủ động áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAHP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của thị trường. Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chăn nuôi Phú Lộc, xã Xuân Thượng quy mô 400 con lợn nái ngoại và 1.000 con lợn thịt, hàng năm Công ty xuất bán 270 tấn thịt hơi và 7.500 con lợn giống. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Phú, xã Xuân Ninh nuôi 1.200 con lợn nái theo hệ chuồng khép kín, hàng năm bán ra thị trường khoảng 39 nghìn con lợn giống; trang trại nuôi 10 nghìn con gà đẻ của ông Phạm Thế Đưởng, xã Xuân Thủy, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 2 triệu quả trứng... Nuôi thủy sản của huyện có xu hướng giảm dần diện tích nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, hình thành các vùng dự án, chuyển đổi tập trung ổn định, sản xuất hàng hóa lớn. Đến nay, toàn huyện có 640ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích vùng dự án, vùng chuyển đổi tập trung 225ha thu hút trên 160 hộ dân tham gia, tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Xuân Vinh, Xuân Tân, Xuân Thành... Ngoài ra tại các xã ven sông Hồng, sông Ninh Cơ đang hình thành các mô hình nuôi cá lồng với các giống có giá trị, thị trường tiêu thụ ổn định như cá trắm đen, lăng, vược, tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao.
Mặc dù tái cơ cấu nông nghiệp của Xuân Trường đã đạt được những kết quả bước đầu, song hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản nhìn chung chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở một số địa phương còn mang tính hình thức; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện còn chậm; các hình thức sản xuất còn thiếu đa dạng và chậm đổi mới; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, thiếu doanh nghiệp “đầu tàu” đủ khả năng thúc đẩy sản xuất chung phát triển nhanh, bền vững; mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp chưa nhiều... Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2019-2025 tăng bình quân 2-3%/năm, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền về tính tất yếu và yêu cầu phải tái cơ cấu nông nghiệp. Tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp của các xã, thị trấn và quy hoạch vùng huyện. Vận động nông dân, doanh nghiệp tích cực tham gia tích tụ ruộng đất, góp đất, cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo ra giá trị thu nhập cao và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao; nâng tỷ lệ diện tích cây trồng áp dụng quy trình VietGAP; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như: lúa chất lượng cao, rau, cây dược liệu, hoa, cây cảnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp ở các khu quy hoạch xa khu dân cư tại các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm; các vùng nuôi thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường./.
Văn Đại