Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của tỉnh, nhất là phát triển các khu vực trọng điểm về kinh tế, văn hóa xã hội, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã chủ động lập quy hoạch, triển khai xúc tiến, thu hút đầu tư theo quy hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì việc thu hút đầu tư của các ngành, các địa phương cũng còn những hạn chế, bất cập cần quan tâm khắc phục.
Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, đoạn thuộc địa phận thành phố Nam Định đã bước đầu thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch. |
Để xây dựng thành phố Nam Định trở thành thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã chủ động lập và thực hiện quy hoạch phân khu hai bên của 3 tuyến đường cửa ngõ của thành phố, gồm tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, tuyến đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong. Trong đó, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý đoạn qua địa phận tỉnh đến năm 2025 được tỉnh phê duyệt với quy mô khoảng 4.050ha, thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn của huyện Mỹ Lộc và một phần xã Lộc Hòa (nay là phường Lộc Hòa) thành phố Nam Định. Theo Quy hoạch được lập, có 8 phân khu với các chức năng dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, trung tâm chính trị của huyện, khu đô thị. Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt với quy mô 810ha, gồm khu vực phía bắc sông Đào thuộc xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và phía nam sông Đào thuộc xã Nam Mỹ và một phần xã Điền Xá (Nam Trực) kết nối bởi cầu Tân Phong. Quy hoạch phân khu chức năng hai bên đường Lê Đức Thọ, thành phố Nam Định được tỉnh phê duyệt với quy mô 509,87ha gồm 4 phân khu chức năng là khu thương mại, dịch vụ, đất cơ quan, đất ở, đất cây xanh tập trung và bến xe, bãi xe. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tiến hành công khai các quy hoạch theo quy định. Căn cứ quy hoạch đã được duyệt, các sở, ngành liên quan đã triển khai xúc tiến, thu hút đầu tư, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Đến nay, khu vực hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý đoạn qua địa phận tỉnh đã có 12 dự án sản xuất, kinh doanh được UBND tỉnh đồng ý cho lập thủ tục đầu tư hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư, một số dự án đã và đang triển khai xây dựng. Trong đó, có 9 dự án đã được giao đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng; 3 dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Một số dự án đầu tư công cũng đã được triển khai như Khu đô thị thị trấn Mỹ Lộc, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, cải tạo nâng cấp đường Thịnh - Thắng (Mỹ Lộc), nâng cấp đường từ cầu Ốc đến đường Nam Định - Phủ Lý… Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong đã đề xuất xin đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận; Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và tham mưu UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư tiềm năng như Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư trong vùng quy hoạch khu vực hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. Hai bên đường Lê Đức Thọ hiện nay đã có 14 dự án được UBND tỉnh đồng ý cho lập thủ tục đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư, có 10 dự án đã và đang triển khai, trong đó có 4 dự án đã được đưa vào sử dụng một phần; 4 dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả thu hút đầu tư cho thấy tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch được duyệt ở các tuyến hai bên đường còn thấp. Tại tuyến đường Nam Định - Phủ Lý mới triển khai xây dựng 46,99ha, tương ứng 8,37% diện tích và toàn khu quy hoạch; tuyến đường Lê Đức Thọ, thành phố Nam Định mới triển khai xây dựng 16,66ha tương ứng 3,27% diện tích toàn khu quy hoạch. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất đã được điều chỉnh từ chức năng dịch vụ thương mại sang dịch vụ thương mại hỗn hợp ở quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ, chủ đầu tư các dự án này chủ yếu xây dựng cơ sở sản xuất là chính dẫn đến phá vỡ quy hoạch phân khu chức năng đã được phê duyệt. Có dự án đầu tư sử dụng đất sai mục đích như cơ sở sản xuất Trang Anh đã xây dựng cơ sở sản xuất dép nhựa trên đất quy hoạch là đất thương mại dịch vụ tại tuyến đường bộ Nam Định - Phủ Lý. Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Đoàn Văn Nho xã Nghĩa An (Nam Trực) đã chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà vườn trên đất quy hoạch là đất thương mại dịch vụ thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ. Một số dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhưng gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục cho thuê đất và tiến độ triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư. Cụ thể như, tại tuyến đường Lê Đức Thọ có dự án liên hiệp dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thúy Đạt, dự án trung tâm kinh doanh các mặt hàng nông sản, dịch vụ thương mại tổng hợp, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Minh Giang dừng không triển khai hoặc không tiếp tục triển khai. Khu vực hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong từ khi được phê duyệt tháng 10-2018 đến nay việc thực hiện quy hoạch mới chỉ ở bước công khai quy hoạch, chưa có đơn vị nào nghiên cứu tìm hiểu đầu tư.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân chính của khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng theo quy hoạch các tuyến đường kể trên là do: chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các trục đường chính trong khu quy hoạch được duyệt nên chưa có điều kiện khai thác quỹ đất phía trong các tuyến đường này. Các dự án đầu tư hầu hết chỉ tập trung tại các khu đất tiếp giáp tuyến đường hiện có là đại lộ Thiên Trường, Quốc lộ 10, Quốc lộ 21B, đường Lê Đức Thọ, tỉnh lộ 490C. Việc dự báo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất còn có mặt hạn chế, quy định về chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn bất cập dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư. Công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư còn chưa sát thực tế, một số chủ đầu tư còn để lãng phí đất đai. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư (như điều chỉnh quy hoạch đất thương mại dịch vụ sang đất hỗn hợp nhưng nhà đầu tư chủ yếu sử dụng đất vào mục đích sản xuất) làm ảnh hưởng đến quy hoạch phân khu chức năng đã được phê duyệt.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng đất theo quy hoạch phân khu các tuyến đường trên, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Nam Định khẩn trương hoàn tất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu chức năng thuộc đề án quy hoạch phân khu các tuyến đường, tạo cơ sở thu hút đầu tư và quản lý theo Luật Quy hoạch đô thị, giảm thiểu việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Yêu cầu các sở, ngành chức năng tham mưu nghiên cứu xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư, đảm bảo thu hút được doanh nghiệp thực sự có năng lực đầu tư theo quy hoạch, giảm thiểu tình trạng để lãng phí đất đai. Các sở, ngành chức năng tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư và nhu cầu sử dụng đất của từng dự án cụ thể đảm bảo tiến độ đầu tư, sử dụng đất đai tiết kiệm và hiệu quả. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm về quy hoạch và sử dụng đất; dự án quá thời hạn không đưa đất vào sử dụng hoặc dự án chỉ sử dụng đất một phần, để lãng phí đất đai; dự án sử dụng đất sai mục đích thì phải xử lý thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy