Những năm gần đây, tỉnh ta đều đạt kết quả thu hút đầu tư FDI cao so với nhiều tỉnh trên toàn quốc. Năm 2018, tỉnh lọt vào “top 3” các tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất trong một năm. 8 tháng đầu năm 2019, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp nước ngoài về tiếp cận, xúc tiến đầu tư tại địa bàn tỉnh. Tiêu biểu, có Tập đoàn Toray, một trong những tập đoàn dệt may lớn của Nhật Bản, hiện đang triển khai hoạt động kinh doanh tại 26 quốc gia trên thế giới đã tiếp cận, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất sợi tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký 180 triệu USD; một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất lắp ráp ô tô thương hiệu Hyundai tại Việt Nam đã tìm hiểu cơ hội và đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô quy mô lớn ở Cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên)...
Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ nâng cao năng lực thu hút nhà đầu tư FDI. |
Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư FDI là đã dịch chuyển địa bàn đầu tư phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh, ngày một gia tăng dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn, giải quyết nhiều việc làm ở khu vực nông thôn. Giai đoạn 2010-2018 có 72 dự án FDI đầu tư vào khu vực nông thôn với tổng vốn đầu tư thực hiện 156,58 triệu USD, thu hút 29.160 lao động. Có thể kể đến các doanh nghiệp FDI tiêu biểu đầu tư số vốn lớn, thu hút nhiều lao động khu vực nông thôn là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất túi da, ví da và thắt lưng với công suất sản xuất khoảng 100 nghìn sản phẩm/năm, thu hút 1.850 lao động. Tại huyện Vụ Bản đã có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sunrise Spinning với công suất khoảng 3.200 tấn sợi/năm, vốn đầu tư thực hiện 131,1 triệu USD thu hút hơn 200 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp các sản phẩm và bán thành phẩm hệ thống dây dẫn điện dùng trong ô tô và xe máy với công suất 1,6 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư thực hiện 8,6 triệu USD, thu hút 500 lao động; Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise đầu tư xây dựng nhà máy dệt nhuộm sản xuất vải dệt kim công suất 3.600 tấn/năm và vải dệt thoi 18 triệu tấn/năm, vốn đầu tư thực hiện 24 triệu USD, thu hút hơn 200 lao động. Tại Trực Ninh, đã có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Amara Việt Nam, Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic, Công ty May Shin Myung First Vina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SungWon Vina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiara Garments Việt Nam...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, thu hút đầu tư FDI của tỉnh ta còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Tuy đầu tư FDI đã thực hiện ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhưng trên toàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng như chế biến nông sản, thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu du lịch biển, khu du lịch tâm linh. Theo Sở Công thương, từng là cái nôi của ngành dệt may toàn quốc nên bề dày truyền thống, kinh nghiệm sản xuất, quản lý và đội ngũ lao động dồi dào, có tay nghề dệt may của tỉnh đã tạo uy tín, sức hút đa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp may mặc. Theo báo cáo Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc tại châu Âu (UNECE), thời trang và chăn nuôi cùng xếp thứ 5 trong danh sách những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất trên thế giới về mức độ phát thải khí nhà kính. Đây cũng là ngành công nghiệp thứ hai trên thế giới gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng của một số khu, cụm công nghiệp còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến việc tạo mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư. Không những thế, việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cụm công nghiệp sau khi có Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện sau khi quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được phê duyệt nên các địa phương chưa đáp ứng được mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Để nâng cao năng lực, hiệu quả thu hút, khai thác dòng vốn đầu tư FDI, tỉnh đã tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đáp ứng xu thế chung giảm nguy cơ, tác động ô nhiễm môi trường của ngành dệt may, từ tháng 4-2017 tỉnh đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông thành một khu công nghiệp dệt may hiện đại, khép kín quá trình sản xuất. Để giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng của một số khu, cụm công nghiệp, các sở, ban, ngành đã phối hợp với các địa phương tổng hợp kiến nghị, trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu đồng bộ về quy hoạch đất cụm công nghiệp, danh mục các dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha; tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo hướng giữ nguyên đất lúa, giảm diện tích quỹ đất phi nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ để gia tăng quỹ đất cung ứng, phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố; chủ động phương án xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2025 theo hướng ưu tiên bố trí hợp lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ trong điều kiện quỹ đất phi nông nghiệp của tỉnh còn lớn. Sở Công thương đã tập trung triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các Cụm công nghiệp: Yên Bằng (Ý Yên), Mỹ Tân (Mỹ Lộc); thành lập Cụm công nghiệp Thanh - Côi (Vụ Bản), Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên); mở rộng các Cụm công nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi (Nam Trực)...
Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016-2020 trên 3 tỷ USD, thời gian tới tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đảm bảo đồng bộ, kết nối, phục vụ cho hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường huyết mạch để kết nối Nam Định với các địa phương khác như đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với thực tiễn triển khai và dự báo trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến, thu hút đầu tư bằng các hình thức phù hợp theo quy định. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách của tỉnh; tăng cường liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động thương mại, du lịch và tuyên truyền đối ngoại đảm bảo thực chất và có hiệu quả. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế địa phương, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy