"Chìa khóa" giảm nghèo bền vững

08:09, 25/09/2019

Thực hiện các dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo”, thời gian qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các địa phương trong vùng đệm, gồm các xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải (Giao Thủy), phát triển các mô hình sinh kế bền vững và thân thiện với môi trường với các mô hình nuôi ong, nuôi ngao giống và ngao thương phẩm, trồng nấm. Hiện nay, tại Vườn quốc gia Xuân Thủy có khoảng gần 20 trại ong, sản lượng đạt từ 60-80 tấn/năm, được ghi nhận là khu vực khai thác mật ong sú, vẹt với chất lượng và sản lượng tốt và lớn nhất miền Bắc. Anh Phạm Văn Chinh là người có “thâm niên” nuôi ong, lấy mật thời gian qua đã thành công trong việc nhân giống ong Ý thuần chủng (còn gọi là ong ngoại Apis metifera). Vào mùa hoa sú, vẹt chính vụ, anh chọn nhân đàn 100% ong Ý; chi phí tạo gần 1.000 thùng ong Ý khoảng 700-800 triệu đồng. Anh Chinh cho biết: Ưu điểm của giống ong Ý thuần chủng là có thế đàn lớn, khả năng thu hoạch và luyện mật tốt, năng suất mật cao và hàm lượng nước trong mật thấp. Ong chúa đẻ khoẻ, đàn ong tăng nhanh, ít chia đàn tự nhiên, ít bệnh ấu trùng... Với gần 1.000 đàn ong, mỗi năm anh thu trên 75 tấn mật; riêng vụ hoa sú, vẹt, lượng mật đạt gần 30 tấn; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Sản phẩm mật ong rừng sú, vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 4-2009-18571 theo Quyết định số 63724; là loại mật duy nhất được khai thác từ cây rừng mọc ngoài biển, hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các cơ quan và chính quyền các xã phát triển nghề trồng nấm; là một trong những mô hình sinh kế mới đang hoạt động hiệu quả, giúp các hộ dân thu được những sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc. Đến nay, đã thành lập Câu lạc bộ Trồng nấm thu hút 70 hộ ở các xã vùng đệm tham gia; cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực là nấm sò và mộc nhĩ.

Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, giá trị cao gấp 4 lần trồng lúa.
Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, giá trị cao gấp 4 lần trồng lúa.

Thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Lồng ghép triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; đảm bảo các công trình đầu tư phát huy hiệu quả, làm giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, cải thiện thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo cùng các tầng lớp dân cư cải thiện sinh kế, cải thiện điều kiện sống. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện; các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Toàn tỉnh có 5.724 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề từ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 7.632 lượt người nghèo được tập huấn, hướng dẫn phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất; có 99.303 lượt hộ nghèo, 29.059 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đứng ra nhận ủy thác 2.183,227 tỷ đồng, hỗ trợ 167.580 hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong 12 tỉnh, thành phố có hoạt động TYM trên địa bàn toàn tỉnh; chất lượng tín dụng tốt với tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, không có xâm tiêu, chiếm dụng. Trong 3 năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ, tư vấn giúp thành lập được 8 hợp tác xã, 12 tổ liên kết, 1 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn do các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân có kinh nghiệm tham gia cùng trao đổi, cung cấp kỹ năng, kiến thức cho chị em; mở 5 diễn đàn, hội thảo ở tỉnh nhằm tạo cơ hội để liên kết các chị em cùng hỗ trợ, giúp nhau thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và nhiều chị em đang là chủ các hợp tác xã đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô ngày một lớn như Hợp tác xã Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hợp tác xã Hải Sơn (Hải Hậu) chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch; Hợp tác xã Trồng hoa và Cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định)... Nhiều hợp tác xã do chị em quản lý điều hành đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập từ 3,5 đến 10 triệu đồng/tháng. Từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp Hội đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề cho trên 6.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 95%. Nhiều địa phương chủ động, mạnh dạn phối hợp tìm kiếm việc làm và hình thành các tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ. Trong đó, Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng thành lập các tổ liên kết đan cói xuất khẩu, tạo việc làm cho chị em có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng; Hội Phụ nữ các huyện: Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên vận động chị em phát triển nghề nuôi tằm dệt vải, đan nón lá, đúc đồng, chạm gỗ, làm nước mắm… Trong 3 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp đỡ cho trên 2.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Thông qua kênh vận động của các cấp Hội, 3 năm qua đã vận động trên 210 nghìn lượt người tham gia mua bảo hiểm y tế với số tiền trị giá trên 100 tỷ đồng; tặng trên 3.500 suất học bổng Hoàng Ngân trị giá trên 2 tỷ đồng từ đóng góp của hội viên cho con của cán bộ, hội viên phụ nữ, con nạn nhân da cam vượt khó, học giỏi, tặng hàng nghìn suất quà cho phụ nữ nghèo nhân dịp tết đến, xuân về trị giá hàng chục tỷ đồng.

Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cung cấp danh sách và xác nhận đối tượng cho vay vốn làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng thụ hưởng; phổ biến chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình đến hộ vay vốn để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong 5 năm qua, đã có 22.553 lượt hộ nghèo, 37.186 lượt hộ cận nghèo và 127.630 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 14.957 hộ thoát nghèo, 8.346 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 8.875 lao động, 16 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 8.666 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ “Không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”; 98.748 hộ được vay vốn để xây mới và cải tạo 98.435 công trình nước sạch, 98.420 công trình vệ sinh đã góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm; xây dựng 383 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, chưa có nhà, 32 căn nhà cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh việc quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay, chính quyền các địa phương đã bố trí “Điểm giao dịch” tại UBND các xã, phường, thị trấn để Ngân hàng Chính sách xã hội đưa vốn đến người dân thuận lợi, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với tín dụng ưu đãi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 218 “Điểm giao dịch xã” của Ngân hàng Chính sách xã hội được chính quyền cấp xã bố trí ngay trong khuôn viên của UBND xã. Đến tháng 7-2019, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 3.044,2 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 3.021,7 tỷ đồng với 105.796 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời; trong đó đã giải ngân cho 187.369 người nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 4.686 tỷ đồng, số vốn thu hồi nợ đạt 3.746 tỷ đồng.

Với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu đề ra: Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm xuống còn dưới 2% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều). Đời sống của các đối tượng chính sách người có công được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; với 99,78% số hộ gia đình người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống chung của cộng đồng. 100% đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp được các địa phương, đơn vị chi trả trợ cấp kịp thời, đảm bảo đúng quy định về hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com