Siết chặt quản lý hoạt động khai thác kinh doanh bến bãi ven sông

07:08, 21/08/2019

Thời gian qua hoạt động kinh doanh của các bến bãi ven sông trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều bất cập, vi phạm Luật Đê điều, tác động tiêu cực đến hệ thống đê, cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh có hơn 280 vị trí bến bãi trên các tuyến sông, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bốc xếp hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu và sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy. Trong số gần 220 bến đang hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép…) hiện nay mới chỉ có trên 50% số bến được cấp phép, có tổ chức hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; các bến còn lại hoạt động không phép, hình thành tự phát chủ yếu dựa vào các điều kiện tự nhiên sẵn có. Trong đó, một số bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ cầu, đường bộ, hành lang bảo vệ đê điều, một số bến có hành vi cải tạo trái phép gây ảnh hưởng đến dòng chảy; chủ bến không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh bến bãi; tàu, thuyền ra vào bốc xếp hàng hóa đa số không có đăng ký, đăng kiểm; các phương tiện chuyên chở đường bộ ra, vào các bến bãi thường xuyên không chấp hành quy định về tải trọng phương tiện, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Nhiều bến bãi đã được cấp phép về cơ bản đầu tư thiếu đồng bộ, năng lực khai thác, xếp dỡ, kho bãi, giao thông kết nối còn hạn chế. Việc quản lý phương tiện ra, vào bốc xếp hàng hóa còn thiếu chặt chẽ, nhiều phương tiện không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, tải trọng hàng hóa và các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bãi tập kết, sản xuất vật liệu xây dựng ven sông Đào nằm sát hành lang an toàn cầu Nam Định.
Bãi tập kết, sản xuất vật liệu xây dựng ven sông Đào nằm sát hành lang an toàn cầu Nam Định.

Hàng năm, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng trên các tuyến sông. Chỉ riêng đợt cao điểm xử lý các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh từ tháng 4 đến cuối tháng 5-2019 đã phát hiện 14 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 60 triệu đồng với các lỗi: không có giấy phép hoạt động, không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng nội dung đăng ký, bến bãi tập kết không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế... Nguyên nhân của tình trạng các bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động vi phạm trong nhiều năm liền nhưng khó xử lý dứt điểm là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ bến bãi còn nhiều hạn chế, thậm chí có hành vi chống đối, cố tình trốn tránh, không hợp tác khi bị kiểm tra, xử lý; viện dẫn lý do chưa tiếp cận được quy hoạch và những thủ tục cần thiết khi mở bến bãi. Đặc biệt còn do tỉnh ta chưa tách biệt riêng Quy hoạch bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên các tuyến sông; việc quản lý các bến, bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thời gian qua cơ bản vận dụng Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã điều chỉnh. Việc cấp phép bến thủy nội địa thuộc trách nhiệm của ngành Giao thông Vận tải còn việc quản lý hoạt động bến bãi thuộc nhiều ngành liên quan như: Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… và có phân cấp quản lý cho địa phương. Vì vậy, để kiểm tra, xác định rõ vi phạm của từng bến bãi vật liệu xây dựng cần sự phối hợp nhiều ngành trong khi các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa tích cực phối hợp thực hiện công tác quản lý thường xuyên, liên tục.

Để hoàn thành việc giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, đưa hoạt động của hệ thống bến bãi vật liệu xây dựng ven sông vào quy củ, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê của tỉnh và Quy hoạch đê điều, phân cấp quản lý đê sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 hiện đang xin ý kiến thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng cập nhật và điều chỉnh hệ thống điểm, bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng trên các tuyến sông vào Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định; trong đó sẽ quy định các tiêu chí chặt chẽ hơn như diện tích tối thiểu của bến bãi, vị trí phải nằm ngoài hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ. Từ đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng ven sông. Cụ thể, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiên quyết xử lý các bãi vật liệu vi phạm hành lang đê điều và thoát lũ; các ngành Công an, Công thương, Giao thông Vận tải bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa kinh doanh, bốc xếp, quản lý chất lượng các loại vật liệu xây dựng, đảm bảo các quy chuẩn quốc gia về sản phẩm… Rà soát các bến bãi đủ tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động; các bến bãi không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm hành lang thoát lũ và an toàn đê điều sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động, giải tỏa vật liệu tập kết, khôi phục mặt bằng khu vực ven sông./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com