Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho các hộ chăn nuôi mà còn làm mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi tỉnh ta. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi, khôi phục chăn nuôi lợn, ngành Nông nghiệp phải tổ chức quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho xã hội, tạo hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Trang trại nuôi vịt đẻ của anh Mai Văn Sơn, xã Hải Thanh (Hải Hậu) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương. |
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 đàn lợn của tỉnh đạt 754.602 con, tương đương tổng đàn năm 2017; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 152.173 tấn, tăng 2.050 tấn so với năm 2017. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp 214/229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy, làm tổng đàn lợn của tỉnh giảm nhanh, có địa phương giảm tới 50-70%. Trong chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, theo số liệu Cục Thống kê tỉnh, tính tại thời điểm tháng 3 năm 2019, tổng số gia cầm của tỉnh ta là 7.647,67 nghìn con. Trong đó có 5.499,21 nghìn con gà; 1.666,59 nghìn con vịt và 481,87 nghìn con ngan. Huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng gia cầm, thủy cầm với 1.245,03 nghìn con; tiếp đến là huyện Nghĩa Hưng 1.098,81 nghìn con; huyện Giao Thủy 1,01 triệu con; huyện Ý Yên 891 nghìn con… Sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 23.906 tấn, tăng hơn 2.663 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 316,3 triệu quả, tăng 28,9 triệu quả so với năm 2018. Tổng giá trị sản xuất chăn ngành nuôi năm 2018 ước đạt 6.750 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 3,3% so với năm 2017; tính theo giá hiện hành đạt 8.078 tỷ đồng và chiếm 40,07% tỷ trọng toàn ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh có 206 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó có 14 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 20 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh và các địa phương đã có các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nói riêng theo hướng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đơn vị để hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở nuôi gà hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô nuôi trên 30 nghìn con gà đẻ. Trung bình mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường hơn 8 triệu quả trứng, tạo việc làm cho trên 30 lao động ở địa phương với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực) có 15 dãy chuồng nuôi khép kín với khoảng 12 nghìn con gà mái đẻ. Bình quân mỗi năm, Công ty tổ chức ấp khoảng 280 nghìn quả trứng gà, mỗi tháng cung ứng cho thị trường và các hộ chăn nuôi 46 nghìn quả trứng vịt lộn và 180 nghìn con gà, vịt giống. Doanh thu hàng năm của Công ty đạt 17,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 41 lao động với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng… Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm của các địa phương đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Năng lực sản xuất, kinh doanh của hộ nông dân được nâng lên, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho gia đình và người lao động ở địa phương. Cùng với việc khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp, hình thành các trang trại, gia trại quy mô, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường nuôi nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc giữ gìn môi trường. Theo đó, để xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, tỉnh ta đã chủ trương hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng, lắp đặt các công trình khí sinh học (biogas). Hiện, tổng số công trình biogas trên địa bàn toàn tỉnh là trên 18 nghìn công trình. Các công trình này đã ủ phân compost làm phân bón hữu cơ, làm đệm lót sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học và thực hành chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi tốt VietGAHP. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp, nghiên cứu và triển khai hiệu quả 49 mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học, gồm: mô hình nhà ủ phân, mô hình kết hợp bể lắng tách chất thải rắn trước hầm biogas kết hợp ủ phân compost, mô hình ủ phân hữu cơ kết hợp nuôi giun xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình sử dụng máy tách phân, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và mô hình tách phân kết hợp máy phát điện sử dụng khí sinh học… Thông qua các mô hình này đã giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, hạn chế mùi trong các khu chuồng nuôi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương chủ động hướng dẫn các hộ chăn nuôi lựa chọn bộ giống gia cầm, thủy cầm chất lượng cao, trong đó giống gà thịt sử dụng giống CP, Japfa, Ross 308; gà chuyên đẻ trứng sử dụng giống ISA Brown, gà Ai Cập. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chú trọng công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống gia cầm, thủy cầm, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh cho người chăn nuôi. Thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo người dân sử dụng con giống gia cầm, thủy cầm đã được cơ quan chuyên môn kiểm dịch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở, đại lý cung ứng giống uy tín; lựa chọn các loại thức ăn phù hợp với từng đối tượng, giai đoạn nuôi, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp tự chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng thiết bị nghiền trộn nhỏ, phù hợp với quy mô loại hình chăn nuôi nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã, vừa giảm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn và kiểm soát được chất lượng thức ăn cho vật nuôi.
Thời gian tới, nhằm phát huy lợi thế sẵn có của các địa phương, ngành chăn nuôi cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, đó là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát các vấn đề về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành, đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy cầm theo quy mô công nghiệp khép kín. Xây dựng chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi nông hộ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện để áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm lao động phổ thông nặng nhọc, tiết kiệm năng lượng và tận dụng hiệu quả các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như: ngô, khoai lang hay rơm, rạ… Từ đó tạo sinh kế bền vững cho các hộ chăn nuôi, thay thế và thích ứng với tình hình chăn nuôi hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa thể khống chế, khó kiểm soát. Đây được xem là hướng phát triển chăn nuôi chủ đạo của ngành chăn nuôi tỉnh ta trong thời gian tới, góp phần đa dạng hóa các loại thực phẩm và thị trường tiêu thụ, giải quyết kịp thời nguy cơ khan hiếm thực phẩm được dự báo có thể xảy ra trong tương lai gần./.
Bài và ảnh: Văn Đại