Theo số liệu của ngành Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 213/229 xã, phường, thị trấn có quỹ đất công ích với diện tích 8.519,35ha; trong đó, đã đưa vào khai thác, sử dụng 7.388,35ha, chiếm 86,44% (cho thuê 162,8ha thời hạn trên 5 năm, cho thuê 5.425,85ha với thời hạn dưới 5 năm, giao sử dụng hàng năm không có hợp đồng cho thuê 1.789,3ha). Thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích tại các xã, thị trấn có những chuyển biến tích cực như hạn chế tình trạng để hoang hóa, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên, việc quản lý quỹ đất công ở hầu hết các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn tới không phát huy được tối đa giá trị của đất công.
Nhờ nâng cao hiệu quả quản lý đất công, xã Yên Bình (Ý Yên) đã hạn chế được tình trạng hoang hóa đồng ruộng. |
Cụ thể, trên tổng diện tích đất công toàn tỉnh, đến cuối năm 2018 diện tích để hoang hóa là 11,2ha, chiếm 0,13% ở 2 xã của huyện Mỹ Lộc; diện tích bị lấn chiếm là 10,60ha, chiếm 0,12% ở 29 xã; diện tích chưa giao hoặc cho thuê là 1.114,2ha, bằng 13,09% ở 93 xã. Bên cạnh đó, do việc quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên môn còn thiếu chặt chẽ, cho thuê đất công ích không đúng đối tượng, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất dẫn đến tình trạng nhiều địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước bị sử dụng sai mục đích hoặc để trống, chưa khai thác hết công năng, gây lãng phí, thất thoát nguồn thu cho ngân sách địa phương và bức xúc trong nhân dân. Tại Thành phố Nam Định có nhiều diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng chưa hiệu quả, từng nhiều lần được kiến nghị thu hồi để chuyển giao cho các mục đích sử dụng có hiệu quả hơn như: các rạp Kim Đồng, Bình Minh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng không đúng mục đích; Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Sông Hồng tại số 20 Trần Nhật Duật, phường Trần Tế Xương được UBND tỉnh cho thuê đất để làm trụ sở theo Quyết định số 3079/QĐ-UB ngày 13-11-2003 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm nay Công ty không đưa vào khai thác, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị... Hiện nay, trên toàn tỉnh đang tồn tại một số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đất chưa hiệu quả, còn để đất trống kéo dài, tỷ suất đầu tư trên diện tích được thuê thấp. Tiến độ thực hiện dự án của một số doanh nghiệp chậm so với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp; thậm chí một số doanh nghiệp còn tự ý điều chỉnh, chuyển nhượng dự án, cho thuê lại mặt bằng dẫn đến xây dựng công trình sai quy hoạch.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị từ nguồn đất công, thời gian qua các ngành, các địa phương đã tăng cường quản lý và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm trong sử dụng đất công. Đối với các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra việc thực hiện theo tiến độ, mục đích được giao, quy mô dự án được duyệt đối với các dự án được giao đất từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Qua kết quả phân loại đã xác định cụ thể từng nhóm dự án chậm đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực và khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất. Trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý dứt điểm 30 dự án thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án hoặc ngừng hoạt động, còn nợ tiền thuê đất nhiều năm. Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 16-5-2018 UBND tỉnh ban hành Văn bản số 126/UBND-VP6 về việc triển khai thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất công trên địa bàn tỉnh; Sở Tài chính đã có Hướng dẫn số 951/STC-QLG&CS ngày 18-5-2018 về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP gửi các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện và doanh nghiệp Nhà nước đang khẩn trương hoàn tất báo cáo kê khai và phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà đất. Trên cơ sở kết quả tổng hợp báo cáo kê khai, phương án của các sở, ngành, địa phương, đơn vị, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà đất để lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất trên địa bàn tỉnh theo quy định. Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phải kiên quyết thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai quy định; có kế hoạch cụ thể thanh tra tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích, việc thu chi tài chính từ nguồn cho thuê đất công ích tại các xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục rà soát lại quỹ đất công ích, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn tại của quỹ đất công ích do địa phương quản lý; chịu trách nhiệm về việc để các hộ gia đình xây dựng trái phép trên đất công ích, mượn, chuyển nhượng đất công ích, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích trái pháp luật; không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp vi phạm; không áp dụng hoặc đề nghị hỗ trợ thiệt hại ngoài chính sách quy định cho các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công khi Nhà nước thu hồi. Các sở, ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy hoạch có liên quan, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai cho cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân. Kiên quyết thanh lý, hủy bỏ hợp đồng đã ký với các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức thuê đất không đúng thời gian theo quy định để ký lại hợp đồng; lập hồ sơ xử lý các trường hợp tự ý xây dựng trái phép; làm rõ số tiền thu, chi từ việc cho thuê đất công ích để quản lý, sử dụng theo quy định... Trên cơ sở Luật Đất đai, chủ động nghiên cứu, đề xuất quy định về giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất; lựa chọn các địa phương, khu vực có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất công ích nghiêm trọng, kéo dài, chậm xử lý để thanh tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm minh trước pháp luật./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy