Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn nhằm gia tăng số lượng lao động nông thôn có việc làm tại chỗ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các ngành, các địa phương đã chủ động quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp để tạo quỹ đất thuận lợi về giao thông, điện… tăng sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp về đầu tư. Theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; giai đoạn đến năm 2020, ngoài 20 cụm công nghiệp đã hoạt động sẽ xây dựng mới thêm 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 130ha, bổ sung 13 cụm công nghiệp, diện tích 234,2ha; giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 128ha, bổ sung 9 cụm công nghiệp với diện tích 250ha và mở rộng 23 cụm công nghiệp với diện tích 426,7ha. Theo địa bàn phân bố các cụm công nghiệp đến năm 2025: huyện Ý Yên có 10 cụm công nghiệp với diện tích là 320,25ha; huyện Hải Hậu có 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 227,6ha; các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng mỗi huyện có 7 cụm công nghiệp với diện tích lần lượt là 158,11ha và 181ha; huyện Vụ Bản có 6 cụm công nghiệp với diện tích 181,7ha; các huyện Giao Thủy, Trực Ninh mỗi huyện có 5 cụm công nghiệp với diện tích lần lượt là 115ha và 127,66ha; huyện Nam Trực có 4 cụm công nghiệp với diện tích 121,65ha; riêng Thành phố Nam Định vẫn giữ nguyên 1 cụm công nghiệp với diện tích 97ha. Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Giao thông Vận tải và các địa phương đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 8.915km đường giao thông nông thôn. Trong đó xây dựng mới 1.159km đường giao thông nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới; xây mới, nâng cấp, cải tạo 8.600 cầu, cống dân sinh, thủy lợi. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được phát triển mạnh đảm bảo kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thu hút đầu tư phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn. Công ty Điện lực Nam Định tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cải tạo lưới điện khu vực nông thôn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng năng lượng cho sản xuất công nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, riêng tại khu vực nông thôn Công ty Điện lực Nam Định đã đầu tư nâng cấp hơn 2.325 đường dây trung áp, trên 11.199 đường dây hạ thế và 2.710 trạm biến áp, không ngừng phát triển lưới điện nông thôn đảm bảo đạt tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Do có lưới điện được đầu tư cải tạo và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề sản xuất phát triển, đặc biệt là sản xuất công nghiệp.
Sản xuất sản phẩm may xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Bảo Linh, xã Yên Hồng (Ý Yên). |
Với nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng, công tác thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tại Nam Trực, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước lựa chọn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam chuyên cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển giống và cây trồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Yu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng thu hút trên 500 lao động; Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Bình Minh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty (Đài Loan) với tổng mức đầu tư trên 1.050 tỷ đồng, tổng diện tích gần 24 nghìn m2 tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, có 30 chuyền, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/lao động/tháng. Riêng xã Đồng Sơn đã thu hút được 2 doanh nghiệp lớn về đầu tư gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Vận đầu tư nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu diện tích 98.600m2, thu hút 3.000 lao động; Công ty VietPan Pacific của Hàn Quốc đầu tư nhà máy may diện tích 50 nghìn m2, thu hút 1.250 lao động với mức đầu tư 7 triệu USD. Hết năm 2018, huyện Nghĩa Hưng đã thu hút, phát triển được 310 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư 4.820 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.760 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 14.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn có sức thu hút lao động cao, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Golden Victory đầu tư sản xuất giày da tại xã Nghĩa Minh thu hút trên 5.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng; Công ty Cổ phần May Sông Hồng đầu tư nhà máy may tại xã Nghĩa Thái thu hút trên 2.500 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn may DAEYANG tại xã Nghĩa Lạc thu hút trên 700 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng…
Theo số liệu tổng hợp của Sở Công thương, trong giai đoạn 2010-2018 có 109 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 485 doanh nghiệp toàn tỉnh đầu tư vào cụm công nghiệp với số vốn đăng ký trên 3.155 tỷ đồng, đã thực hiện 2.879,09 tỷ đồng, thu hút 20.260 lao động; thành lập mới 1.015 doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn. Tại khu vực ngoài cụm công nghiệp, từ năm 2010 đến nay, đã thu hút được 177 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 6.188,3 tỷ đồng và 156,58 triệu USD, giải quyết việc làm cho 65.600 lao động. Đặc biệt, điểm nhấn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn trong 10 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải kể đến việc tỉnh đã chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Từ năm 2015 đến nay có 9 doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, năm 2017 đã phát triển quy mô chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ gạo sạch chất lượng cao lên trên 800ha/năm và đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo công suất 30 nghìn tấn/năm; năm 2018, Công ty Cổ phần Biển Đông DHS đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất thịt lợn sạch và nhà máy chế biến thịt lợn lớn nhất miền Bắc với công suất 300 con/giờ. Việc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân và các tổ chức đoàn thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị đã tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Để đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo quỹ đất sạch quy mô lớn phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ để giới thiệu cho nhà đầu tư đến tìm hiểu; nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đầu tư, đất đai, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp... Tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện; triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy