Nhằm thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.
Nông dân xã Hải Anh (Hải Hậu) chăm bón lúa mùa. |
Thời gian qua, các địa phương đã tập trung dồn điền đổi thửa, khắc phục sự manh mún trong sản xuất, tập trung ruộng đất từ “ô thửa nhỏ” sang “ô thửa lớn”, tạo nền tảng cần thiết để xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, đồng thời hỗ trợ đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh đã quy hoạch, xây dựng được 151 cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích trên 11 nghìn ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh; rà soát, giảm thiểu các thủ tục về cấp phép đầu tư, chấp thuận đầu tư và hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các cấp chính quyền đã công khai các quy hoạch có liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp và quản lý, thực hiện đúng các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp yên tâm tham gia tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất dài hạn. Bên cạnh đó, do một bộ phận người nông dân không có nhu cầu sử dụng ruộng đất nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng nên các ngành, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của tỉnh. Tại nhiều địa phương, chính quyền xã đã tích cực đảm trách vai trò là đơn vị trọng tài, bảo lãnh cho doanh nghiệp cũng như hộ nông dân cho thuê ruộng; đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp triển khai việc thuê gom, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất. Quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh ra đã được thực hiện theo 3 phương thức. Một là thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất, doanh nghiệp lựa chọn vùng đất nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung của xã; được sự hỗ trợ của chính quyền xã và thôn, xóm đã vận động, thương thảo để thuê trực tiếp quyền sử dụng đất của các hộ dân trong thời hạn từ 5-10 năm. Các doanh nghiệp đã dồn đổi và quy hoạch thành các vùng tập trung, đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Phương thức thứ hai là thuê đất của các hộ dân và đất công ích của xã, trong đó đất của các hộ dân không có nhu cầu canh tác, có thể cho thuê nằm liền kề vùng đất công ích của xã. Phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc mượn ruộng của các hộ khác là phương thức tích tụ ruộng đất phổ biến nhất. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất với diện tích đất canh tác khoảng 900ha; điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân 350ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc 95ha, Công ty VinEco 140ha..., riêng nhóm hộ gia đình, cá nhân đã tham gia tích tụ khoảng 300ha để sản xuất lúa tập trung.
Từ tích tụ ruộng đất, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được một số mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; phổ biến là liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng sản xuất về quy mô, chủng loại, chất lượng và quy cách nông sản; hợp tác xã, tổ hợp tác làm đại diện cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị và thực hiện một số khâu dịch vụ trung gian. Điển hình cho phương thức này là mô hình thuê gom, tích tụ trên 300ha ruộng đất để sản xuất giống lúa lai F1 cánh đồng lớn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.500 tấn giống lúa lai F1, thu nhập của người nông dân cao gấp 3 lần so với cách làm cũ; mô hình khoảng 500ha liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hộ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp, hàng năm sản xuất, chế biến và tiêu thụ khoảng 15-20 nghìn tấn gạo chất lượng cao; mô hình 25ha liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu giữa Công ty Cổ phần Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu) hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 190-200 tấn nguyên liệu, thu nhập của người nông dân cao gấp trên 10 lần so với trồng lúa; mô hình thuê gom, tích tụ 95ha ruộng đất để xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến các cây rau màu, cây dược liệu và lúa đặc sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc...
Tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa là chủ trương lớn, đúng đắn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên đến nay việc tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; mô hình tập trung ruộng đất chưa nhiều, diện tích tập trung chưa lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tích tụ ruộng đất được tỉnh xác định do tâm lý của người dân. Một bộ phận nông dân chưa “thông suốt” tư tưởng về tập trung đất đai, vẫn còn tâm lý giữ ruộng mặc dù đã “đầu quân” cho các doanh nghiệp và không làm nông nghiệp nữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích ruộng bị bỏ hoang còn nhiều. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa khiến các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp chưa yên tâm tích tụ ruộng đất vì băn khoăn trước các quy định về hạn điền đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân và thời hạn cho thuê đất đối với doanh nghiệp. Trong đó, đối với đất công, thời hạn cho thuê “theo nhiệm kỳ”. Đối với đất của nông dân, nếu thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư, vì không đủ thời gian thu hồi vốn; nếu thuê dài hạn thì người dân e ngại mất đất. Để tháo gỡ nút thắt này, người dân và doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh và Trung ương cho phép: mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân; cho phép các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thuê đất của Nhà nước để đầu tư sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, theo ý kiến của các địa phương, do còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh mới chỉ duy trì quy mô sản xuất theo số lượng sản phẩm đã được đảm bảo về đầu ra trên thị trường, kéo theo trên thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà thuê đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Nhằm thúc đẩy tập trung ruộng đất, tỉnh chỉ đạo thời gian tới, các ngành, địa phương tăng cường phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó sẽ chú trọng tuyên truyền, cung cấp nội dung thông tin liên quan đến quy định về hạn điền, thời gian thuê đất. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo các Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai năm 2013; Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các quy định về hạn mức theo Điều 44 Nghị định 43 được đánh giá là phù hợp với năng lực sản xuất của đại bộ phận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp đặc biệt, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu diện tích đất lớn hơn để sản xuất lớn có thể thành lập doanh nghiệp để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; tập trung đổi mới mô hình kinh tế hộ theo hướng khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh; tăng cường liên kết giữa các hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Tập trung hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; tích cực cải thiện các chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết; mời gọi các doanh nghiệp lớn có uy tín đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy