Trước những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết và những hạn chế, khó khăn trong dịch vụ hậu cần nghề cá hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai giải pháp nhằm phát triển và nhân rộng mô hình tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn khai thác thủy sản trên biển góp phần tăng năng lực đánh bắt và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Tư lệnh vùng I Hải quân cấp phát phao cứu sinh, tủ thuốc cho các chủ tàu. |
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nhất là các tổ, đội khai thác thủy hải sản xa bờ, kết hợp tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Đài phát thanh các huyện để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về lĩnh vực thủy sản; phổ biến kinh nghiệm của các mô hình tổ, đội khai thác hoạt động hiệu quả. Tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền về biển, đảo và các quy định liên quan đến hoạt động quản lý khai thác thủy sản; chính sách duy tu, sửa chữa tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67 của Chính phủ và chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác thủy sản cho 850 lượt ngư dân, chủ cơ sở đóng tàu, chủ tàu trên địa bàn các huyện ven biển; tập huấn cho các thuyền trưởng các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến khai thác thủy hải sản; những kiến thức, kỹ năng về phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; các kỹ năng tự vệ, xử lý tình huống khi có cướp biển, tàu nước ngoài tấn công. Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn mới thành lập đầu tư trang bị một số dụng cụ như: phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, máy dò cá và cơ chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng theo quy định. Nhờ đó, từ cuối năm 2018 đến nay các địa phương đã thành lập thêm 4 tổ, đội hợp tác khai thác thủy sản, nâng tổng số lên 22 tổ, đội hợp tác khai thác thủy sản của tỉnh với trên 1.000 tàu, thuyền tham gia. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bước đầu các tổ, đội đã hỗ trợ nhau rất thiết thực khi sản xuất cũng như khi gặp sự cố trên biển; tạo cơ sở cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản, công tác quản lý, kiểm soát được đồng bộ, nhất là việc kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, sổ thuyền viên, trang thiết bị hàng hải, ngư cụ; các điều kiện đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu cá hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển được thuận lợi và thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết tổ, đội và các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ tránh được tình trạng ép cấp, ép giá của các thương lái “đầu nậu”, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân bảo vệ quyền lợi của người lao động trên biển. Anh Cao Thanh Tùng, xóm Trung Châu, là một trong những thành viên tham gia thành lập Hiệp hội nghề cá xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: Hiện nay, Hiệp hội có 78 phương tiện, gồm 55 tàu khai thác xa bờ; 23 thuyền, mủng, mảng khai thác gần bờ với tổng giá trị tài sản trên 300 tỷ đồng; 399 lao động trực tiếp trên biển. Bản thân anh đang có 2 tàu cá vỏ gỗ, công suất 630 CV/tàu. Được Hiệp hội hỗ trợ, anh và các thành viên đã tập trung hoán cải, nâng cấp đội tàu tăng năng lực vươn khơi tới các ngư trường khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) để khai thác. Từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất đánh bắt khá. 2 tàu cá đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động của địa phương với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng… Trong quá trình hoạt động, các thành viên của Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với các đội tàu trong xã, các tàu cá của ngư dân các tỉnh đang hoạt động khai thác trên cùng ngư trường làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển khi thời tiết không thuận lợi hoặc có sự cố về vận hành, khai thác. Đặc biệt, Hiệp hội luôn quan tâm phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, các quy định pháp luật biển trong nước và quốc tế liên quan để các thành viên biết và thực hiện, ngăn ngừa vi phạm, góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương, giữ vững an ninh tuyến biển. Bên cạnh đó, các tàu tham gia tổ, đội còn phát huy tối đa lợi ích của việc liên kết trên biển từ cứu nạn, cứu hộ công tác y tế trên biển; hỗ trợ nhau khi phát hiện tàu lạ xâm phạm ngư trường, vùng biển; phát hiện, tham gia xử lý, ngăn chặn tình trạng trộm cắp ngư lưới cụ của ngư dân... Qua thực tế hoạt động, mô hình tổ đội, tổ hợp tác khai thác đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, sản lượng khai thác không ngừng tăng. Nhờ có sự liên kết nên các phương tiện đã mạnh dạn ra khơi thăm dò, tìm kiếm nhiều ngư trường mới, sản lượng và cơ cấu hải sản đánh bắt phong phú và bán được giá hơn. So sánh thực tế cho thấy, các phương tiện không tham gia tổ, đội dù cùng thời gian khai thác, cùng ngư trường song lợi nhuận đạt thấp hơn từ 20-25%.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đội, tổ hợp tác trên biển, cùng với triển khai thực hiện những chính sách hiện có, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục khuyến khích các chủ tàu đầu tư lắp đặt trang thiết bị, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm trên các tàu cá, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, sơ chế các sản phẩm ngay trên tàu cá nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Có chính sách đào tạo thuyền viên khai thác hải sản xa bờ, nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đi biển, tránh tình trạng khủng hoảng lao động trong khai thác hải sản... Cùng với mô hình tổ, đội khai thác, ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích phát triển mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng giá thu mua các loại thủy sản tươi sống. Phát triển và nhân rộng các mô hình tổ, đội khai thác hải sản là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Nông nghiệp hoàn thành chỉ tiêu tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt khoảng 154 nghìn tấn, tăng từ 3% trở lên so với năm 2018; trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 53 nghìn tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 4,5-5% so với năm 2018./.
Bài và ảnh: Văn Đại