Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh ta đang có những bất cập cần được tháo gỡ để phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thực tiễn.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy). |
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, hợp lý vào sản xuất như: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND về “Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, một số doanh nghiệp, cá nhân đã tích cực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: trồng khoai tây khí canh, trồng rau thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà kính; trồng hoa trong nhà lưới, nhà kính; nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; chăn nuôi lợn, gà ứng dụng nền đệm lót sinh học... Điển hình là mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới bằng phương pháp thủy canh của anh Phạm Ngọc Tùng, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định). Anh Tùng cho biết: Trồng rau bằng phương pháp thủy canh giúp tiết kiệm chi phí hoạt động nhờ việc sử dụng chất dinh dưỡng hiệu quả hơn so với các mô hình thông thường, giảm chi phí lao động nhờ nước và chất dinh dưỡng luôn được cung cấp đầy đủ. Mô hình nhà kính giúp tiết kiệm nước hơn nhờ việc giữ hơi nước hiệu quả, giúp môi trường không khí luôn ẩm ướt thuận lợi cho cây thủy canh phát triển; ngăn ngừa tác động của các yếu tố ngoài môi trường xung quanh như gió, mưa, nắng lên cây trồng, đồng thời ngăn ngừa côn trùng, mầm bệnh phát tán trong không khí, bảo vệ cây trồng. Bên cạnh đó, nhờ việc không sử dụng phân bón, không sử dụng hóa chất trừ sâu, diệt cỏ giúp hệ thống thủy canh trong nhà kính tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao nuôi thủy sản phải kể đến ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy) đầu tư hàng tỷ đồng thực hiện mô hình nuôi 1ha tôm thẻ chân trắng trong nhà kính. Ông Ba cho biết: Đây là mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể nuôi tôm thâm canh với mật độ khá dày, từ 200-300 con/m2, sau khoảng hơn 3 tháng thả là có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Nuôi tôm trong nhà kính giúp người nuôi chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên như tình trạng nhiệt độ trong ao thay đổi nhanh chóng khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng kéo dài khiến tôm nuôi không kịp thích ứng. Nuôi trong nhà kính tôm sinh trưởng, phát triển nhanh, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm theo phương pháp truyền thống. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông xây dựng Nhà máy Biển Đông DHS - tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn với dây chuyền giết mổ lợn tự động đồng bộ, công nghệ hiện đại được nhập từ Hàn Quốc, công suất 300 con lợn/giờ. Sản phẩm chính của Nhà máy Biển Đông DHS là thịt đông lạnh, các sản phẩm từ thịt lợn chế biến qua gia nhiệt hướng tới cung cấp cho thị trường trong nước và dự kiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong… mở ra cơ hội xây dựng và phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn của tỉnh hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu.
Hiện trên địa bàn tỉnh còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác như: Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup sản xuất rau sạch theo chuỗi giá trị, chất lượng cao, quy mô 140ha tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tích hợp các công nghệ cao trong nước và trên thế giới như: công nghệ nhà kính, nhà lưới của Nhật Bản, Israel; công nghệ tưới tiêu tự động của Israel; công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel; hệ thống giám sát môi trường, đất, nước, không khí và sinh trưởng cây trồng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Mô hình trồng rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) với 9ha trồng rau hữu cơ thủy canh trong nhà màng công nghệ Thái Lan, áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt của Israel; trồng rau hữu cơ và rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài trời. Mô hình sản xuất hoa và rau an toàn trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới Israel của anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nuôi tôm của anh Phạm Văn Quang, xã Hải Chính (Hải Hậu)…
Có thể nói, tính ưu việt của các công nghệ tiên tiến như: công nghệ sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa... giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch, an toàn của thị trường. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ cao đã đạt được một số kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường nhưng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách, đất đai, tài chính… Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những mô hình ứng dụng còn ít, chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị. Đối với tỉnh ta tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, tự phát là chủ yếu; tiềm lực khoa học, công nghệ, nhân lực, vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thấp. Trong khi đó, do hạn chế về ngân sách nên tỉnh cũng chưa có chính sách khuyến khích riêng hỗ trợ thiết thực, rõ nét lĩnh vực này. Ngoài những trở ngại trên thì tình trạng thiếu kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị… của nông dân cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới tỉnh tiếp tục kêu gọi khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành nông nghiệp hiện đại cho nông dân, từ đó hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Rà soát và hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ tiến bộ hiện đại, tạo ra các loại sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nâng cao trong nước và hướng tới xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh